31 Dec 2010

Lịch sử qua lời kể - Rivka Syd Eisner (08/01)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự chương trình "Café Học thuật Nhân văn" chuyên đề số 14:

LỊCH SỬ QUA LỜI KỂ

do diễn giả Rivka Syd Eisner trình bày.


Quý vị có thể đặt câu hỏi thảo luận trước cho diễn giả qua hộp thư của chương trình (cafehocthuatnhanvan@gmail.com).

- Thời gian: 08g30-11g30 ngày 08/01/2011 (sáng thứ 7)
- Địa điểm: Cà phê Văn Khoa, Trường ĐHKHXH&NV, 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp.HCM.
- Ngôn ngữ: tiếng Anh (ThS. Trần Thị Lê Dung phiên dịch tiếng Việt)

Ban tổ chức chương trình Café Học thuật Nhân văn - ĐHKHXH&NV Tp.HCM kính mời!

Đăng ký tham gia tại:
- Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp & Phát triển Nguồn nhân lực, phòng C001, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1.
- Điện thoại: 08.39102989 (Quỳnh Lan) – Thư điện tử: cafehocthuatnhanvan@gmail.com.
- Mức phí tham gia: 15.000đ (đã bao gồm chi phí nước uống)

Chú ý: Vì tính chất quan trọng của buổi nói chuyện nên quý vị đăng ký và xác nhận tham gia với Ban tổ chức trước 17h ngày 07/01/2011. Quý vị chỉ có thể tham gia khi đã đăng ký và xác nhận với Ban tổ chức.

Trân trọng!

Về buổi nói chuyện:

Lĩnh vực lịch sử qua lời kể (Oral history) cung cấp những khía cạnh lý thuyết và phương pháp nghiên cứu quan trọng cho những ai quan tâm tới các chuyên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn. Buổi nói chuyện này sẽ thảo luận những cách thức mà lịch sử qua lời kể đưa ra ánh sáng những lịch sử ít được biết tới và sẽ cung cấp những gợi ý phương pháp và đề nghị cho sinh viên đi theo hướng nghiên cứu định tính. Các chủ đề thảo luận sẽ bao gồm thiết kế nghiên cứu, kỹ thuật phỏng vấn, phân tích hẹp, diễn giải, và các vấn đề trình bày lại. Sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi liên quan đến nghiên cứu của họ.

Về diễn giả:

TS. Rivka Syd Eisner đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Lịch sử và Khu vực học ở Đại học Aarhus, Đan Mạch, và Đồng Chủ tịch Ủy ban Học giả Nghiên cứu Nghệ thuật Trình diễn quốc tế. Từ 2008-2009 bà làm việc như một học giả sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore.

Một số bài báo và chương sách đã và sẽ xuất bản: Văn hóa học (sắp xuất bản), Nghiên cứu Nghệ thuật Trình diễn (2010), Nghệ thuật Trình diễn Đông Nam Á: Những viễn tượng Xuyên quốc gia (2010), và Lịch sử Qua lời kể về Nghệ thuật Trình diễn (2005).

Hình ảnh buổi nói chuyện của diễn giả Huỳnh Sơn Phước

Chương trình "Café Học thuật Nhân văn" kỳ 13 chuyên đề "Quản trị nguồn tin với tòa soạn mở" do diễn giả Huỳnh Sơn Phước trình bày vào sáng thứ Bảy ngày 18/12/2010 tại Cà phê Văn Khoa đã thu hút nhiều giảng viên, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM đến nghe với nhiều nội dung thảo luận sôi nổi.

Sau đây là một số hình ảnh (xem thêm tại trang lưu trữ hình ảnh) của buổi nói chuyện này:


















16 Dec 2010

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước trả lời một số câu hỏi của người tham dự

Ban tổ chức chúng tôi có nhận được một số câu hỏi của quý bạn và xin chuyển phần trả lời của diễn giả lên trang thông tin để quý bạn cùng theo dõi. Rất mong nhận thêm nhiều ý kiến chia sẻ và câu hỏi của quý bạn.

* Khi các bạn đọc gửi tin về, tòa soạn mở xử lý thông tin như thế nào? Làm thế nào để phân loại, chọn đăng, bảo mật và lưu giữ thông tin cần thiết như một tư liệu cho những bài báo tới?

- Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Vào một ngày cuối năm 2002, ông Hương bị bọn xe cướp đả thương phải đưa đến bệnh viện tỉnh Bình Thuận, nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng trước khi được cấp cứu. Chứng kiến cái chết đau thương của ông Hương, người bác sĩ trực đêm đó đã gọi cho TT.

Bản tin buồn với nhiều tình cảm bức xúc tưởng như tuyệt vọng của người thầy thuốc được đặt lên bàn của cuộc họp tin sáng hôm sau như một mệnh lệnh từ người đọc, đòi hỏi nhà báo phải vào cuộc. Lập tức các PV và CTV của TS đang có mặt tại các tỉnh dọc quốc lộ 1A lần lượt ngồi vào ghế hành khách ngược xuôi từ Đồng Nai, Bình Thuận cho đến Hà Tĩnh, Nghệ An.

Còn cuộc vận động "Xoa dịu nỗi đau da cam", người đọc không chỉ phát hiện, mà còn tham gia làm báo. Anh Nguyên Hoàng đã truy cập trang WEB vận động và ký tên vì công lý trước khi gởi đến TS bài viết có tựa "Chẳng lẽ chúng ta vô cảm". Người đọc thứ hai, chị Anh Đào viết tiếp "Chúng ta không vô cảm". Chính người đọc đã bước lên diễn đàn và sử dụng TS để phát động một chiến dịch dài ngày "Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam" với hai chương trình: Ký tên vì công lý và quyên góp ủng hộ tài trợ cho vụ kiện và chăm sóc nạn nhân.

Nỗi đau da cam đến được với bà con người Việt và nhân loại đồng cảm trên toàn thế giới. Thông tin tiếng Việt từ TS được tiếp ứng bằng hàng loạt Website của sinh viên, hay bà con người Việt đang sinh sống ở nước ngoài với nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nga… truyền khắp các châu lục.

* Một nhật báo ngốn một lượng sự kiện khổng lồ hàng ngày, quả là rất cần nguồn tiếp ứng thông tin, lực lượng bạn đọc hùng hậu, những người có mặt khắp nơi đã hỗ trợ rất nhiều cho TT. Ngẫu nhiên họ đến với TS hay TS đã tổ chức cho bạn đọc làm báo?

- Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Mạch thông tin phản hồi từ người đọc được cả một bộ máy tiếp nhận. Mỗi ngày trên bàn BBT có hai bản tin sáng, chiều phản ánh ý kiến của bạn đọc. Trong môi trường tiện lợi của Internet, thông tin của bạn đọc qua email vừa rất kịp thời, vừa đầy đủ gần như một tác phẩm báo chí.

Người đọc viết tiếp những bài báo, làm tiếp những trang báo dang dở, góp ý điều chỉnh chủ trương biên tập. Người đọc tin cậy cộng tác vớiï TS có phần do ngày càng rõ vai trò quan trọng của họ thể hiện trên trang báo. Mặt khác, tôi còn nhận ra ở sự hỗ trợ của người đọc cả lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách.

* Ngoài nguồn thư bạn đọc, ngoài ý kiến của phát hành, làm thế nào TS tiếp cận được yêu cầu của người đọc?

- Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Tôi nhớ, từ trước khi bước vào năm cuối của bậc trung học, được anh trai đưa ra Huế chơi, tôi đến ăn sáng ở một quán bún bò dân dã nhưng rất đông khách. Bà bán bún nhớ tên và khẩu vị của từng người. Người này ăn hơi cay, người kia nhiều hành, tô giò, tô móng… ai cũng được chiều. Tôi nghĩ, nhà báo cũng rất cần có được cảm quan của bà bán bún, học ở bà tình cảm, và khả năng bắt nhạy với khẩu vị của người đọc mỗi ngày.

Nhưng với bà bán bún thì ngày nào cũng hương vị đó, thịt đó, hành ngò tươi thơm. Còn anh làm báo thì không thể lặp lại cái cũ. Anh phải có được cái ưu thế tự nhiên sinh ra và lớn lên trong cộng đồng, có chung số phận với cộng đồng cư dân nơi tờ báo đang có nhiều người đọc. Cho nên, tiêu chí của tờ báo ngoài màu đỏ của lý tưởng, trẻ trung, dấn thân, nó phải "rất Sài Gòn". Nó không được làm bất cứ điều gì mà đời sống cộng đồng, văn hóa của cộng đồng đó không chấp nhận.

(còn cập nhật tiếp)

7 Dec 2010

Quản trị nguồn tin với tòa soạn mở - Huỳnh Sơn Phước (18/12)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự chương trình "Café Học thuật Nhân văn" chuyên đề số 13:

QUẢN TRỊ NGUỒN TIN VỚI TÒA SOẠN MỞ

do diễn giả Huỳnh Sơn Phước trình bày.

Quý vị có thể đặt câu hỏi thảo luận trước cho diễn giả qua hộp thư của chương trình (cafehocthuatnhanvan@gmail.com) hoặc tại trang thông tin để diễn giả trả lời trực tiếp hoặc đúc kết lại trong buổi café học thuật tới đây.



- Thời gian: 08g30-10g30 ngày 18/12/2010 (sáng thứ 7)

- Địa điểm: Cà phê Văn Khoa, Trường ĐHKHXH&NV, 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp.HCM.

Ban tổ chức chương trình Café Học thuật Nhân văn - ĐHKHXH&NV Tp.HCM kính mời!

Đăng ký tham gia tại:

- Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp & Phát triển Nguồn nhân lực, phòng C001, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1.
- Điện thoại: 08.39102989 (Quỳnh Lan) – Thư điện tử: cafehocthuatnhanvan@gmail.com.
- Mức phí tham gia: 15.000đ (có thể đóng tại bàn tiếp tân trước khi diễn ra chương trình)

Chú ý: Vì tính chất quan trọng của buổi nói chuyện nên quý vị đăng ký và xác nhận tham gia với Ban tổ chức trước 17h ngày 17/12/2010. Quý vị chỉ có thể tham gia khi đã đăng kí và xác nhận với Ban tổ chức.


Trân trọng!

Về diễn giả

Huỳnh Sơn Phước sinh năm 1950, là nhà báo, chủ bút báo Tuổi Trẻ từ 1985-2008.

Hình ảnh buổi nói chuyện của dịch giả Nguyễn Thị Từ Huy

Chương trình "Café Học thuật Nhân văn" kỳ 12 chuyên đề "Phê phán và siêu nhân" do dịch giả Nguyễn Thị Từ Huy trình bày vào sáng thứ Bảy ngày 04/12/2010 tại Cà phê Văn Khoa đã thu hút nhiều giảng viên, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM đến nghe với nhiều nội dung thảo luận sôi nổi.

Sau đây là một số hình ảnh (xem thêm tại trang lưu trữ hình ảnh) của buổi nói chuyện này:










Tin & ảnh: Phan Tuấn Quốc, Trần Bình

6 Dec 2010

Nghệ thuật giao tiếp đỉnh cao - Lê Chí Linh (11/12)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự chương trình "Café Học thuật Nhân văn" chuyên đề khởi nghiệp:

NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP ĐỈNH CAO

Thời gian: 8h00 ngày 11 tháng 12 năm 2010
Địa điểm: Café Văn Khoa (số 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng – Q.1 – Tp.HCM)

Khách mời:
1. Diễn giả Lê Chí Linh (Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Tài Năng Trẻ - NTG)
2. ThS. Nguyễn Thanh Hiển – Chuyên gia huấn luyện và thực hành các Kỹ năng Tư duy, Quản lý Nhân sự và Phát triển tổ chức.

Ban tổ chức chương trình Cafe Học thuật Nhân văn - ĐHKHXH&NV Tp.HCM kính mời!

Đăng ký tham gia tại:
- Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp & Phát triển Nguồn nhân lực, phòng C001, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1.
- Điện thoại: 08.39102989 (gặp Trâm) – Thư điện tử: clbnguonnhanluctre@gmail.com.
- Mức phí tham gia: 20.000đ (có thể đóng tại bàn tiếp tân trước khi diễn ra chương trình)
- Hạn đăng ký: 16h00 ngày 10/12/2010

Đặc biệt: Mỗi thành viên khi tham gia sẽ nhận được một phần quà trị giá 50.000đ do cty NTG tài trợ và được trải nghiệm đi trên thủy tinh.

3 Dec 2010

Thư ngỏ của Chương trình Cafe Học thuật Nhân văn

Quý học giả, các anh chị sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh quý mến,

Vậy là chương trình "Café Học thuật Nhân văn" đã trải qua được hơn bốn tháng với 12 chuyên đề được tổ chức đều đặn vào các buổi sáng thứ bảy hàng tuần tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM. Thay mặt những người tổ chức chương trình, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý học giả, các anh chị sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã cùng chúng tôi tạo dựng một “sân chơi” học thuật bổ ích và hiệu quả này.

Các chương trình café học thuật được tổ chức nối tiếp nhau với sự trợ sức của quý học giả trong và ngoài nước thông qua việc đến trao đổi, chia sẻ và khơi nguồn cảm hứng yêu thích khoa học đối với những người trẻ. Và bước đầu, tinh thần yêu thích nghiên cứu khoa học cũng đã gây được chất men trong một số anh chị sinh viên, học viên cao học…

Chúng tôi ý thức rằng đây mới là sự khởi đầu cho một cuộc hành trình dài tìm kiếm một phương thức xây dựng một cộng đồng học thuật trong khối ngành khoa học xã hội nhân văn. Chắc chắn rằng những chương trình café học thuật vừa qua khó tránh khỏi những vấp váp, chúng tôi rất mong được đón nhận những ý kiến đóng góp để cho chương trình sinh hoạt học thuật này ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Chúng tôi cũng hi vọng rằng các anh chị sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh hãy cùng chung tay với chúng tôi tạo dựng một môi trường học thuật hiệu quả, bổ ích cho chính chúng ta. Trong một, hai chương trình vừa qua, chúng tôi có thu một mức phí tượng trưng là 15.000 đồng cho một buổi tham dự/người (chủ yếu dùng cho việc chi phí nước uống cho mỗi người tại quán Café Văn Khoa), với mong muốn mọi người cùng chia phần trách nhiệm trong việc tạo dựng một cộng đồng học thuật cho chính chúng ta. Tuy nhiên, chương trình café học thuật vẫn giữ nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận, đặt mục tiêu truyền bá tri thức khoa học là trên hết. Chính vì vậy, nếu việc thu mức phí này làm cản trở việc tham gia của các bạn vì khó khăn tài chính, xin các bạn vui lòng cho chúng tôi biết, chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ các bạn.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm một số hoạt động như:

- Xây dựng "Tủ sách Café Học thuật", thông qua việc vận động các học giả, các nhà xuất bản tặng sách để sinh viên có thể đến đọc miễn phí tại khu tự học của trường (sảnh C).

- Tổ chức gỡ băng nội dung các buổi nói chuyện chuyên đề của các học giả trong các chương trình café học thuật vừa qua, nhằm chia sẻ thông tin cho những ai không thể đến tham gia. Những việc này đang rất cần một lực lượng tình nguyện viên làm công việc này. Chúng tôi rất mong nhận được sự tham gia của các bạn sinh viên.

Ngoài ra, chúng tôi hi vọng được đón nhận và chia sẻ các mô hình học thuật này với các trường đại học trong thành phố. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển Nguồn Nhân lực
Phòng: C001 bis, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Q1. Tp.HCM
Số điện thọai: 08.39102989 - Thư điện tử: cafehocthuatnhanvan@gmail.com

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn và kính chúc mọi người sức khỏe, bình an trong cuộc sống.

T.M Ban Chủ nhiệm
Chương trình Café Học thuật Nhân văn
TS. Nguyễn Đức Lộc

1 Dec 2010

Phê phán và siêu nhân: Nietzsche qua diễn giải của Deleuze

Đây là tài liệu liên quan đến bài nói chuyện của dịch giả Nguyễn Thị Từ Huy gửi đến chương trình "Café Học thuật Nhân văn" trong khuôn khổ chuyên đề "Phê phán và siêu nhân". Mời quý bạn cùng đọc tham khảo.

Phê phán: biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực

Deleuze nhận thấy rằng, đối với Nietzsche, triết học phải tiến hành công việc phê phán, triết học trở thành triết học phê phán. Nietzsche muốn biến nó thành nhát búa, cái nhát búa cao thượng. Nếu triết học không thực hiện được nhiệm vụ đó nó sẽ chết. Và triết gia chính là kiểu người phê phán. Ông ta phải luôn chống lại thời đại mình, phải luôn phê phán thế giới hiện tại. Ông ta có trách nhiệm phải làm cho những người cùng thời cảm thấy buồn phiền, vì ông ta không hợp thời, không hợp với thời đại của mình, nói cách khác là phải đi trước thời đại. 

Vậy phê phán là gì? Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn "Nietzsche và triết học", Deleuze xác định rõ quan niệm của Nietzsche về sự phê phán: "Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù". Theo tiêu chí đánh giá của Nietzsche, phê phán là một thái độ sống tích cực, một yếu tố tích cực thúc đẩy cuộc sống phát triển. Triết học có tính phê phán, nhưng phê phán không phải là độc quyền của các triết gia, nó là một phương thức tồn tại của những ai muốn sống một cách tích cực. Do đặc trưng của nó, phê phán có thể có tính xâm hấn, có thể "độc ác", nhưng đó là sự độc ác thần thánh. Phê phán đương nhiên không bao hàm sự chửi bới và mạt sát. Bởi vì, theo Nietzsche, sự khiêu khích hay xâm hấn của người phê phán là có tính thần thánh. "Cái búa" mà người phê phán sử dụng là một cái búa cao thượng. Người phê phán không "tư duy một cách thấp kém", không bị phẫn hận chi phối. Trong hệ từ vựng của Nietzsche, những từ mà ông căm ghét, ghê tởm nhất là: ti tiện, hèn hạ. Theo hình dung của ông, những gì ti tiện, hèn mọn, vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, dù chúng có bị lên án, đả kích tới mức độ nào đi nữa, nếu như chúng không được thay thế bằng một hiện trạng khác, bằng một thực tế khác, thực tế của những gì cao thượng, cao quý. Tình hình còn bi quan hơn nếu những cái ti tiện hèn hạ này lại bị đả kích bởi những cái ti tiện hèn hạ khác. Trong trường hợp đó, không hề có phê phán, theo nghĩa mà Nietzsche muốn. Và sẽ chỉ là một ảo tưởng thảm hại nếu tin rằng có thể xoá bỏ sự ti tiện khi dùng sự ti tiện này để lên án sự ti tiện kia. Đó không phải là phương thức của kẻ phê phán thực sự.

Kẻ phê phán tấn công và có thể gây đau đớn nhưng không hèn hạ. Phê phán là "một sự độc ác thần thánh mà không có nó ta không thể hình dung được sự hoàn thiện". Như vậy phê phán là yếu tố không thể thiếu nếu ta muốn đạt tới sự hoàn thiện. Không thể thiếu được hiểu theo hai nghĩa: phải biết tiến hành sự phê phán, đồng thời phải biết chấp nhận sự phê phán. Kẻ có khả năng phê phán là kẻ mạnh. Kẻ có khả năng chấp nhận sự phê phán cũng là kẻ mạnh. Thực ra nếu kẻ mạnh có thể chấp nhận sự phê phán của người khác, thì là vì trước tiên anh ta biết tự phê phán chính mình. (Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi đề cập đến hiện tượng siêu nhân ở Nietzsche.) Kẻ yếu hoặc không thể tiến hành sự phê phán, hoặc không thể chấp nhận sự phê phán, hoặc rơi vào cả hai trường hợp.

Phê phán: sáng tạo và niềm vui

Deleuze chỉ ra rằng, theo Nietzsche, Kant thiếu tư tưởng phê phán, vì Kant "không khám phá được cái thẩm quyền thực sự có tính hoạt năng, có khả năng thực hiện sự phê phán". Ở Kant, sự phê phán mang tính thỏa hiệp và nó không giúp con người vượt thoát khỏi cái sức mạnh phản ứng tồn tại trong con người. Với các công trình về sự phê phán, Kant đã trở thành triết gia đầu tiên đề cập đến tính toàn diện và tích cực của phê phán, đồng thời là người đề xuất quan niệm về sự phê phán nội tại. Tuy nhiên, mâu thuẫn của Kant là ở chỗ, khi đòi hỏi lý tính phải phê phán chính nó, ông đã biến phê phán thành ra vừa là tòa án, vừa là bị cáo, vừa là thẩm phán, và Kant đã không thực hiện được chương trình phê phán nội tại của ông, do thiếu một phương pháp cần thiết. Nietzsche mới là người xác lập được nguyên tắc này, đó chính là ý chí quyền lực. "Chỉ duy nhất ý chí quyền lực mới có tư cách là nguyên tắc phát sinh và nguyên tắc phả hệ học, có tư cách là nguyên tắc lập pháp, chỉ có nó mới có năng lực thực hiện sự phê phán nội tại". Với Nietzsche, triết gia trở thành nhà lập pháp, thành người ra lệnh và ban bố luật. Và lập pháp được Nietzsche hiểu là sáng tạo các giá trị. Triết gia là nhà lập pháp, vì ông ta phá bỏ các giá trị cũ và tạo ra các giá trị mới. Thực ra ý tưởng về triết học lập pháp là ý tưởng của Kant, nhưng khi lấy lại và phát triển ý tưởng này, Nietzsche lại xem Kant là một "công nhân triết học". Bởi vì, đối với Kant, những gì mang tính lập pháp thuộc về các quan năng giác tính và lý tính. Và việc sử dụng các quan năng này lại "trùng hợp một cách lạ lùng với các giá trị đã được thiết lập". Trong khi đó Nietzsche cổ xúy cho việc đập bỏ các giá trị đã được thiết lập để tạo ra các giá trị mới. Deleuze nhấn mạnh điều này nhiều lần trong cuốn sách: "Yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị […] được xác định như là yếu tố phê phán". Và yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị chính là ý chí quyền lực. Deleuze đã giải thích tại sao triết học về sức mạnh và ý chí quyền lực của Nietzsche không thể tách khỏi sự phê phán. Lý thuyết về các kiểu sức mạnh không những xác định các chất của sức mạnh như là hoạt năng hay phản ứng, mà còn xác định cả các phương thức quan hệ giữa các sức mạnh: kiểu hoạt năng hình thành khi các sức mạnh hoạt năng chiến thắng các sức mạnh phản ứng, và với kiểu phản ứng thì ngược lại, đó là sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng. Mỗi kiểu có một phẩm chất riêng: đối với Nietzsche, các phẩm chất cao cả và cao quý gắn với sự vượt trội của các sức mạnh hoạt năng, biểu thị ái lực của sức mạnh hoạt năng với khẳng định. Trái lại, thấp kém và đê hèn biểu thị sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng, và ái lực của sức mạnh phản ứng với cái phủ định. Và sự phê phán có khả năng xác định sự phân bậc các giá trị, có khả năng xác định rằng chúng cao quý hay hèn hạ. Tuy nhiên Deleuze đặt câu hỏi là tại sao có thể nói cái cao quý "tốt hơn" hay "có giá trị hơn" cái thấp hèn. Và ông tìm thấy câu trả lời ở sự quy hồi vĩnh cửu. Theo ông, chỉ có những gì mang tính khẳng định mới có thể quy hồi. "Sự quy hồi vĩnh cửu chuyển hóa cái phủ định […] nó chuyển cái phủ định sang phía khẳng định, nó biến phủ định thành một quyền lực khẳng định". Và sự phủ định chuyển thành khẳng định, đó chính là sự phê phán. Phê phán chính là "sự phá hủy trở thành hoạt năng". Vì lẽ đó mà Deleuze có thể kết luận rằng: "phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo. Kẻ sáng tạo các giá trị không tách biệt với kẻ hủy diệt, không tách biệt với một tội đồ hay một người phê phán: "phê phán các giá trị đã được thiết lập, phê phán các giá trị phản ứng, phê phán sự hèn hạ". Như vậy ta hiểu rõ hơn tại sao, trong quan niệm của Nietzsche, một kẻ phê phán lại đồng thời là kẻ sáng tạo, và anh ta cũng sẽ bị xem là một tội đồ, một kẻ hủy diệt, vì đã dám phá vỡ các giá trị hiện hành, dám chống lại sự hèn hạ.

Theo cách hiểu của Deleuze, sáng tạo và niềm vui là hai nguyên tắc của triết học Nietzsche, triết học về ý chí. Đương nhiên, ta hiểu ngay rằng ông muốn nói tới Ý chí quyền lực. Deleuze chiết tự khái niệm để tạo nên phương trình này: muốn = sáng tạo, ý chí = niềm vui. Trái với cách hiểu sai mà người ta có thể có về khái niệm "ý chí quyền lực" của Nietzsche, Deleuze chỉ ra rằng ý chí quyền lực không phải là ý chí muốn có quyền lực, không phải là sự ép buộc, không phải là sự chống đối. Ngược lại, ý chí quyền lực, đó là ý chí giải phóng, "đó là học thuyết đích thực về ý chí và về tự do", đó là sứ giả của niềm vui, là bản thân sự vui vẻ. Niềm vui sáng tạo ra các giá trị mới. Khái niệm "ý chí quyền lực" sẽ được phân tích sâu hơn ở một dịp khác, ở đây chúng tôi chỉ xét ý chí quyền lực trong quan hệ với sự phê phán.

Phê phán: biểu hiện của mong muốn tìm kiếm sự thật

So sánh Nietzsche và Kant, Deleuze đi tới kết luận rằng sở dĩ Kant giáo điều là vì ông không quan tâm đến giá trị của sự thật, không đặt câu hỏi về kẻ tìm kiếm sự thật. Cũng như những triết gia cổ điển khác, Kant cho rằng bản chất của hành động tư duy là tìm kiếm sự thật, kẻ tư duy yêu sự thật, muốn đạt tới sự thật. Nhưng sự thiếu hụt trong toàn bộ lập luận đó là các triết gia đã không quan tâm đến vấn đề: "ai là kẻ tìm kiếm sự thật?" Nietzsche đã bổ sung sự thiếu hụt này. Ông xác định nhiệm vụ của mình là "đặt lại vấn đề về giá trị của sự thật" và đặt câu hỏi: "… cái gì trong con người chúng ta muốn tìm kiếm sự thật?". Và Nietzsche còn tự cho rằng mình là người đầu tiên dám nêu vấn đề "không-sự thật", dám nêu vấn đề hoài nghi về ý muốn sự thật và hoài nghi niềm tin vào sự thật.

Khái niệm sự thật khiến thế giới tách ra làm hai: có một thế giới của hiện tượng và một thế giới thực sự, đối tượng tìm kiếm của những con người thành thực, tức là những con người muốn sự thật. Người tìm kiếm sự thật giả định rằng có một thế giới đích thực, bị che phủ bởi một thế giới của những "cái bề ngoài". Cần phải gạt bỏ cái vỏ bọc lừa dối bên ngoài để đi vào thế giới thực sự. Và khi phân chia thế giới thành hai loại như vậy, khi cố đi tìm sự thật về cái thế giới không hiển hiện, kẻ truy tìm sự thật hành động vì anh ta không muốn để cho cái bề ngoài lừa dối mình, "không muốn bị lừa dối, không để cho người ta lừa dối". Và hơn nữa, anh ta không muốn lừa dối người khác, cũng không muốn tự lừa dối bản thân, "tôi muốn sự thật có nghĩa là tôi không muốn lừa dối, và tôi không muốn lừa dối hiểu trong trường hợp đặc biệt là: tôi không muốn lừa dối bản thân tôi". Tuy nhiên, mong muốn sự thật theo cách này sẽ khiến cho nhận thức đối lập với đời sống. Vì nhận thức theo đuổi một đời sống như là nó muốn, chứ không phải đời sống đang hiện hữu. Theo Nietzsche, sự đối lập này là sự đối lập có nguồn gốc luân lý: con người chối bỏ thực tại để mơ mộng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, có đức hạnh hơn là cái thế giới đầy sai lầm trong đó anh ta đang tồn tại. Chính cái ước muốn đó khiến cho đời sống hiện tại của anh ta chỉ còn là một giai đoạn chuyển tiếp, một giai đoạn tạm thời để dẫn tới cái thế giới thực sự mà anh ta theo đuổi. Bằng cách đó anh ta khiến cho "đời sống từ bỏ chính nó và quay lại chống lại chính nó". Anh ta phủ nhận đời sống đang có, dùng cái đời sống mà anh ta mơ ước để chống lại nó. Đấy là ý nghĩa của cụm từ "đời sống chống lại đời sống". Và thực chất đấy là quan điểm của chủ nghĩa khổ hạnh. Con người theo lý tưởng khổ hạnh chối bỏ đời sống vì một cái gì cao hơn đời sống. Lúc đó người ta không còn sống đúng nghĩa, mà là chịu đựng cuộc sống dưới hình thái phản ứng. Nietzsche chống lại quan niệm đó, chống lại cái quan niệm của nhận thức, luân lý và tôn giáo cho rằng cái chân, cái thiện và cái thần thánh là các giá trị cao hơn đời sống. Đối với Nietzsche, đời sống này chính là nơi tập hợp các giá trị tối cao, phải tìm các giá trị đó trong chính bản thân đời sống chứ không phải ở bên ngoài hay đằng sau nó. Con người có thể tìm thấy niềm vui, sự khinh khoái, và sáng tạo ngay trong chính cuộc đời này, tức là thực hành triết lý của Dionysos. Và để được như vậy cần thay thế lý tưởng khổ hạnh bằng lý tưởng sự thật. Cần trục xuất lý tưởng khổ hạnh ra khỏi ý chí sự thật. Cần đặt lại vấn đề về ý chí sự thật. Ý chí sự thật không còn tìm kiếm một sự thật cao hơn đời sống, hay một sự thật về một đời sống khác nữa. Nietzsche đề xuất một cách nhận thức khác, một quan niệm khác về sự thật, "một sự thật không tự giả định trước trong một ý muốn có cái thật, mà giả định một ý muốn hoàn toàn khác".

Ý muốn hoàn toàn khác này là gì? Khi nghiên cứu Socrate, Nietzsche nhận thấy rằng, ở triết gia Hy Lạp cổ đại này, quan hệ giữa nhận thức và đời sống là quan hệ đối lập, nhận thức đối lập với đời sống, nhận thức biến tư duy thành một phương tiện phục vụ đời sống. Nietzsche trách Socrate ở hai điểm: ông đã "bắt đời sống phải phụng sự nhận thức" và "bắt tư duy phải phụng sự đời sống". Nietzsche thay thế quan hệ phục tùng này bằng một quan hệ khác: nhận thức không còn đối lập với đời sống nữa mà nó khẳng định đời sống. "Đời sống sẽ là sức mạnh hoạt năng của tư duy, nhưng tư duy sẽ là quyền lực khẳng định đời sống. Cả hai cùng đi về một hướng, cái này kéo theo cái kia và phá vỡ các giới hạn, song hành trong nỗ lực sáng tạo phi thường. Tư duy có nghĩa là: khám phá, sáng tạo những khả năng mới của đời sống". Thay vì đối lập nhau hay phục tùng nhau, giờ đây tư duy và đời sống cùng song hành để đạt tới mục đích cao nhất: sáng tạo những khả năng mới. Như vậy giữa tư duy và đời sống có một ái lực đẹp đẽ. Và khi xem ái lực này là bản chất của nghệ thuật, Nietzsche đã gắn kết tư duy, đời sống và nghệ thuật theo một logic mới. Nietzsche đã nhìn thấy trong nghệ thuật ý chí tìm kiếm sự thật của người nghệ sĩ. Nếu như Aristote, Kant, Schopenhaueur xuất phát từ vị thế của khán giả, từ kinh nghiệm của khán giả để tìm hiểu bản chất của nghệ thuật, thì Nietzsche với tinh thần phê phán và sáng tạo của mình, đã xuất phát từ vị thế của người nghệ sĩ để đánh giá nghệ thuật. Điều này giúp ông có một nhận thức mới về nghệ thuật. Nghệ thuật được xem là "yếu tố kích thích của ý chí quyền lực", là "tác nhân kích thích của ý muốn". Ý chí quyền lực của nghệ sĩ là gì? Đương nhiên không phải là ý chí hướng tới quyền lực, không phải là ý chí muốn có quyền lực để thống trị hay chế ngự kẻ khác. Mà đó là cái sức mạnh hoạt năng được dùng để khẳng định đời sống, cái sức mạnh hoạt năng được "dùng làm tác nhân kích thích cho sự khẳng định được chứa đựng trong chính bản thân tác phẩm nghệ thuật". Tính hoạt năng của đời sống được biểu hiện trong nghệ phẩm như là quyền năng của cái giả. Đây là điểm thứ hai có tính cách mạng trong suy tư của Nietzsche về nghệ thuật. Tại sao lại là quyền năng của cái giả? Mà thậm chí quyền năng này lại được đẩy xa tới tận ý chí lừa dối? Ta sẽ hiểu nhầm Nietzsche nếu không nhìn thấy ý chí lừa dối này lại chính là con đường để đi tới sự thật. Thực ra quyền năng của cái giả của người nghệ sĩ là để chống lại lí tưởng khổ hạnh, chống lại cái quan niệm cho rằng thế giới này chỉ là cái bề ngoài, cần phải tìm kiếm một thế giới đích thực ở nơi khác. Deleuze nhận thấy rằng, trong quan niệm của Nietzsche, quyền lực của cái giả chính là quyền lực khẳng định cuộc sống, khẳng định giá trị của cuộc đời này, cuộc đời trong đó mỗi chúng ta đang sống. Vì thế, không còn cái bề ngoài, vì cái bề ngoài cũng tức là cái chiều sâu tiềm ẩn, cái bề ngoài cũng tức là sự thật. Sự thật được khẳng định trong chính cái bề ngoài, trong chính nghệ thuật. Lúc đó, sự thật trở thành "sự thực hành của quyền lực", cần nhắc lại rằng đây là quyền lực khẳng định. Và Deleuze không ngại đúc kết thành công thức: "Ở Nietzsche, chúng ta, những nghệ sĩ = chúng ta, những người tìm kiếm tri thức hay tìm kiếm sự thật = chúng ta, những người sáng tạo những khả năng mới của cuộc sống."

Siêu nhân: sản phẩm của phê phán và là kẻ tiến hành phê phán

Kết quả của sự phê phán, theo hình dung của Nietzsche, là siêu nhân. Siêu nhân vừa là sản phẩm của phê phán, vừa là kẻ tiến hành phê phán. Deleuze phân biệt rõ trong quan niệm của Nietzsche có sự phân biệt giữa con người có tính siêu nhân và siêu nhân. "Con người tương đối có tính siêu nhân" là một "kiểu người phê phán, con người với tư cách là kẻ muốn bị vượt qua, bị vượt lên." Kiểu người có tính siêu nhân này là cha ông, tổ tiên của siêu nhân. Zarathoustra kêu gọi đám đông đang nghe ông thuyết giáo hãy trở thành mẫu người có tính siêu nhân đó, theo ông đấy là điều tốt đẹp nhất mà họ có thể làm được, vì như thế họ tạo điều kiện cho sự hình thành của siêu nhân, tức là con người đã bị vượt qua, đã bị vượt lên. Deleuze chỉ rõ, đối với Nietzsche, "mục đích của phê phán: […] là siêu nhân, là con người bị vượt qua, bị vượt lên". Ta có thể tìm thấy minh chứng xác thực cho nhận xét của Deleuze trong cuốn Zarathoustra đã nói như thế.

Nietzsche đã viết như thế này: "Ta yêu kẻ nào làm việc và phát minh, để xây dựng nơi trú ngụ cho Siêu Nhân […] vì như thế là ước muốn chính sự suy tàn của mình". Nơi trú ngụ của siêu nhân chính là trong những kẻ làm việc và phát minh, những kẻ muốn sự suy tàn của chính mình, những kẻ tự hủy diệt mình để vươn tới một hình thái cao hơn, hình thái của siêu nhân. Vậy là kẻ tự hủy diệt cũng chính là kẻ xây dựng, vượt lên con người chính là vượt lên bản thân mình. Phê phán là hành vi dẫn tới sự vượt lên đó, dẫn tới sự hình thành của siêu nhân. Và bất kỳ ai có khả năng tự phê phán, có khả năng tự hủy diệt mình đều mang trong mình siêu nhân, hay nói theo cách của Nietzsche, đều là nơi trú ngụ của siêu nhân.

Như vậy, sự phê phán tối thượng, sự phê phán đích thực có mục đích là để vượt lên và bị vượt lên. Bị vượt qua để phát triển sang một cấp độ cao hơn. Thế nên khi sự phê phán đích thực này được thực hiện, thì sẽ có siêu nhân như là kết quả mong đợi. Vì vậy, siêu nhân hoàn toàn không phải là con người có những năng lực siêu nhiên, thần thánh. Siêu nhân là con người có khả năng vượt lên và có khả năng để bị vượt lên. Khả năng vượt lên và bị vượt lên này gắn với khả năng tự hủy diệt. Cần phải hiểu rằng trong quan niệm của Nietzsche, sự tự hủy diệt, tự tiêu vong là một yếu tố tích cực, chỉ qua việc tự làm cho mình tiêu vong mà con người mới có thể bước qua một giai đoạn mới. Hiểu được điều này mới hiểu được vì sao Nietzsche có thể viết: "điều mà ta có thể yêu thương nơi con người là: con người là một sự chuyển tiếp và là một sự suy tàn. Ta yêu những kẻ nào chỉ biết sống bằng cách làm cho mình trầm một, diệt vong, vì họ đang bước qua bờ bến bên kia". Khi tập trung làm sáng rõ điểm này, Deleuze đã góp phần "giải oan" cho Nietzsche ở một trong những vấn đề dễ gây hiểu lầm nhất trong tác phẩm của ông. Siêu nhân, qua lý giải của Deleuze, không phải là kẻ dẫm đạp lên kẻ khác, không phải là kẻ thống trị những ai yếu hơn. Trái lại, siêu nhân sở dĩ mạnh là vì biết vượt qua chính mình, và biết để cho người khác vượt qua mình, biết rằng mình chỉ là một giai đoạn "chuyển tiếp", chỉ là một "sự suy tàn", biết chấp nhận tự tiêu vong.

Siêu nhân còn là sự chiến thắng nỗi sợ hãi mà mỗi cá nhân đều có thể cất giấu trong sâu thẳm con người mình: sợ người khác giỏi hơn mình, sợ bị người khác lật đổ, sợ bị thay thế. Vì thế mà Cronos, sau khi giết cha là Uranos để chiếm ngôi vị cai quản thế gian, đã phải nuốt các con mình vào bụng, vì thế mà Dédale phải giết cháu mình là Talos, vì thế mà Ulysse, người anh hùng trí xảo phải sử dụng khía cạnh đồi bại của trí thông minh trác tuyệt của mình để hãm hại Palamède . Lý thuyết siêu nhân của Nietzsche chính là lý thuyết về sự chiến thắng nỗi sợ hãi đó. Siêu nhân là những người biết vượt lên chính mình, cũng có nghĩa là biết để cho người khác vượt lên trên mình. Không những "để cho" mà còn biết "khuyến khích" người khác vượt lên mình, giỏi hơn mình. Deleuze đã chỉ ra cách diễn giải lạ lùng của Nietzsche về từ "philosophe": "Philosophe không có nghĩa là hiền nhân, mà có nghĩa là bạn của sự thông thái. Vậy mà, cần phải diễn giải từ "bạn" theo một cách lạ lùng: Zarathoustra nói rằng "bạn" luôn luôn là kẻ trung gian giữa "tôi" và "tôi" [je et moi], một người thúc đẩy tôi vượt lên chính mình và bị vượt lên để sống". Đấy là lý do vì sao đối với Nietzsche người bạn đích thực phải là một kẻ thù: "Bạn mi phải là kẻ thù sâu độc nhất của mi, chính lúc chiến đấu chống lại hắn, mi mới gần gũi mật thiết nhất với tâm hồn hắn". Những người bạn trở thành kẻ thù của nhau, chống lại nhau là để có thể đi tới tận đáy sâu của tâm hồn nhau. Chống lại nhau, có nghĩa là phê phán lẫn nhau, phê phán một cách triệt để, tự lột trần trước mặt nhau. Những người bạn chống lại nhau là để bị vượt lên, và cùng vượt lên, đó là khi họ có khát vọng làm siêu nhân: "Mi không biết trang sức ăn vận đủ đối với bằng hữu: vì đối với hắn mi phải là một mũi tên và một khát vọng phóng về hướng Siêu Nhân. Mi đã có khi nào nhìn bạn mi say ngủ chưa – để biết rõ chân tướng của hắn? Lúc đó khuôn mặt bạn mi ra sao? Đấy chính là khuôn mặt của mi, được nhìn trong một tấm gương thô vụng, bất toàn. Mi đã có bao giờ nhìn bạn mi say ngủ chưa? Mi há không kinh hoàng khi nhìn thấy hắn như thế? Ồ bạn ơi, con người là một cái gì cần bị vượt qua." Đấy cũng là lý do tại sao sư tử lại phải trở thành đứa trẻ, tại sao đứa trẻ lại là giai đoạn cao nhất của tinh thần. Bởi vì đứa trẻ là biểu hiện của sự hồn nhiên, vô tư, vô vị lợi, đứa trẻ ở giai đoạn khi người ta dễ dàng chấp nhận người khác lớn hơn mình, giỏi hơn mình. Đứa trẻ cũng chính là sự khởi đầu. Quay trở về làm đứa trẻ để có thể bắt đầu một khởi đầu mới, để vượt lên và để bị vượt lên. Siêu nhân là như vậy: biết để cho người khác vượt lên trên mình sau khi đã tự mình vượt lên chính mình. Khẩu hiệu của Nietzsche: "hãy tự vượt mình". Khẩu hiệu này có lẽ bắt nguồn từ mệnh đề nổi tiếng của Socrate: "hãy tự biết mình". Để có thể tự vượt mình phải tự biết mình. Và con đường, phương tiện để tự vượt mình chính là sự tự phê phán.

Nếu quan điểm của Nietzsche được áp dụng cho toàn bộ xã hội, ta có thể hình dung tới một viễn cảnh: khi tất cả các cá nhân trong một xã hội biết tự phê phán chính mình, thì đồng thời sự phê phán người khác cũng được thực hiện. Bởi vì trong chính mình có phần của người khác. Và như vậy, trong sự tự phê phán của mỗi cá nhân, toàn bộ xã hội cũng sẽ bị phê phán, và cái xã hội đó sẽ có cơ hội để bị vượt qua, tức là có cơ hội phát triển sang một hình thái mới. Chẳng phải Nietzsche nói rằng phê phán chính là sáng tạo các giá trị mới đó sao? Nhưng cái gì ngăn cản sự hình thành của siêu nhân? Có phải chăng vì sức mạnh phản ứng cấu thành bản chất của phần lớn nhân loại, chứ không phải sức mạnh hoạt năng?

Chúng ta tạm dừng vấn đề với câu sau đây, một câu có lẽ khiến cho Nietzsche trở nên khó hiểu, hay thậm chí khó chấp nhận, khó tha thứ nếu ta không đọc nó trong toàn bộ lập luận và trong cả quá trình triển khai phân tích của Deleuze: "Zarathoustra không hề có chút nghi ngờ gì ở đây: ông nói rằng chính sự hiểu biết của những người tốt, những người tuyệt vời nhất khiến ông cảm thấy khiếp sợ con người; và đôi cánh của ông mọc lên từ chính sự khiếp sợ này". Có lẽ cần phải hiểu những người tốt, những người tuyệt vời ở đây là những người không làm tổn thương, họ giới hạn sự hiểu biết của mình ở những gì làm hài lòng, làm thỏa mãn người khác. Điều này giải thích tính chất thiếu thỏa mãn của "sự phê phán của người phân xử muốn mang lại hòa bình", trong khi mà đối với Nietzsche, kẻ phê phán là kẻ gây hấn, kẻ hủy diệt và làm tổn thương vì dám đi tới tận sự thật, đó là kẻ "nhắm đến nhận thức thực sự về những gì có thể nhận thức". Theo logic này, siêu nhân là kẻ dám làm tổn thương chính mình, dám đi đến tận cùng những sự thật khó chịu, những sự thật khó đối diện, khó thừa nhận của bản thân để đạt tới chỗ gây hấn và hủy diệt chính mình, từ đó nâng mình lên ở một mức độ cao hơn. Vậy, yếu tố giúp con người vượt lên và tự vượt lên, đó là phê phán và tự phê phán. Chúng ta thấy nhân loại đã áp dụng điều này cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Một dân tộc mạnh, một quốc gia mạnh không thể không biết đến giá trị của sự phê phán. Hay nói cách khác, nếu thiếu tinh thần phê phán, thiếu sự thực hành phê phán, thì một dân tộc, một quốc gia không thể phát triển một cách mạnh mẽ được. Đấy là lý do vì sao các dân tộc và các quốc gia phương Tây và các quốc gia được tổ chức theo mô hình phương Tây ưu tiên dành quyền cho sự phê phán, dành quyền cho mọi tiếng nói phản biện đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Tp Hồ Chí Minh, 10/10/2010
Nguyễn Thị Từ Huy

29 Nov 2010

Phê phán và siêu nhân - TS. Nguyễn Thị Từ Huy (4/12)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự chương trình CAFÉ HỌC THUẬT NHÂN VĂN chuyên đề số 12:

PHÊ PHÁN VÀ SIÊU NHÂN
(Nietzsche qua diễn giải của Deleuze)

do dịch giả Nguyễn Thị Từ Huy trình bày.


- Thời gian: 8g30 ngày 04/12/2010 (sáng thứ 7)

- Địa điểm: Cà phê Văn Khoa, Trường ĐHKHXH&NV, 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp.HCM.

Ban tổ chức chương trình Cafe Học thuật Nhân văn - ĐHKHXH&NV Tp.HCM kính mời!

Đăng ký tham gia tại:

- Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp & Phát triển Nguồn nhân lực, phòng C001, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1.
- Điện thoại: 08.39102989 (đ/c Quỳnh Lan) – Thư điện tử: cafehocthuatnhanvan@gmail.com.
- Mức phí tham gia: 15.000đ (có thể đóng tại bàn tiếp tân trước khi diễn ra chương trình)

Chú ý: Vì tính chất quan trọng của buổi nói chuyện nên quý vị đăng ký và xác nhận tham gia với Ban tổ chức trước 17h ngày 03/12/2010. Quý vị chỉ có thể tham gia khi đã đăng kí và xác nhận với Ban tổ chức.


Trân trọng!

Về diễn giả:

Nguyễn Thị Từ Huy, sinh nằm 1972, hiện đang là giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM.

Quá trình học tập:
1989 - 1993 Cử nhân Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An
1994- 1996 Cử nhân Khoa Pháp văn, Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà nội
1997- 1999 Thạc sĩ văn học phương Tây, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà nội. Đề tài luận văn thạc sĩ : Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết của Alain Robbe-Grillet trong tiểu thuyết Ghen.
2004-2008 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Văn học Pháp đương đại, Khoa Lettres, Art et Cinéma, Đại học Paris 7 – Denis Diderot, Cộng hoà Pháp. Đề tài : Vérité et interprétation chez Alain Robbe-Grillet.

.Kinh nghiệm công tác:
1993-1994 Giảng viên khoa Ngữ Văn, Cao đẳng sư phạm Nghệ An
1996-1998 Cộng tác viên dịch thuật của tuần báo Văn Nghệ, Hà nội
2000 đến hiện nay : Giảng viên môn văn học Phương Tây, Khoa ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội.

Các nghiên cứu đã công bố:
2001 E. Hemingway, A. Robbe-Grillet và những khả năng của đối thoại, in trong Hemingway – những phương trời nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2001, Hanoi.
2002 Jean Valjean: cái tên là một cái tôi, Tạp chí Văn Học, N°6, tháng 6/ 2002, Hanoi.
2002 Về tiểu thuyết Robinson Crusoé, Tạp chí Văn học va Tuổi trẻ, N° 8 (74), tháng 8/ 2002, Hanoi.
2004 Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực trong Thiên Đường Chuông Giấy của Phan Nhiên Hạo, Hội thảo quốc gia về văn học so sánh, tháng 6/ 2004, Đại học sư phạm Hà Nội.
2006 Xoá bỏ trong tác phẩm Robbe-Grillet : cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản (L’effacement chez Robbe-Grillet, mécanismes de la production et de la reproduction textuelle), Hội thảo quốc tế: Marking Loss: Reading and Writing Erasure in French and Francophone Literature, tháng 2/2006, Maison Française, Université de Columbia, New York, Etats-Unis.
http://www.columbia.edu/cu/french/graduate/conferences/markingloss/schedule.htm
2008 La néantisation du temps chez Robbe-Grillet, Tạp chí Loxias –littérature française et comparée, 15 septembre 2008, Cộng hoà Pháp. http://revel.unice.fr/loxias/document.html?id=2502
2009 Vérité comme non-authentique, Hội thảo quốc tế về Alain Robbe-Grillet, Đại học Ottawa, Canada, tháng 6/2009.
2009 Tự thuật mới hay là phi sự thật về bản thân, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/ 2009
2009 Alain Robbe-Grillet : sự thật và diễn giải, chuyên luận, NXB Hội Nhà Văn và Daivietbooks, 2009
2010 Cô đơn của viết (Một khía cạnh trong suy tư của Marguerite Duras về nghiệp văn chương), Tạp chí Tia Sáng, số 5, tháng 3/20101
2010 Thưởng thức nghệ thuật như thế nào ?, Tạp chí Tia Sáng, số 7, tháng 4/2010

Tác phẩm dịch đã công bố: Giờ im lặng - tập truyện ngắn của Albert Pouvourvil (NXB Văn học-2001), Những tiểu thuyết của Alain Robbe - Grillet của Bruce Morrissette (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005), Nietzsche và triết học - Gilles Deleuze (NXB Tri Thức, tháng 4-2010), Phê bình mới - Evelyne Grossman (Tạp chí Tia Sáng, số 10 tháng 5-2010), Phân tâm học trong nghiên cứu văn học - Evelyne Grossman (Tạp chí Tia Sáng, số 11 tháng 6-2010)

Truyện ngắn: Con chữ (Bách Việt - NXB Hội Nhà văn, 2007).

Thơ: Chữ cái (Eva- NXB Phụ nữ, 2007).

27 Nov 2010

Hình ảnh buổi nói chuyện của dịch giả Hà Dương Tuấn

Do lỗi sai sót của một thành viên trong ban tổ chức dán thông tin nhầm ngày, nên đã tạo sự nhầm lẫn thông tin cho một số quý bạn. Chương trình "Café Học thuật Nhân văn" kỳ 11 chuyên đề "Lịch sử khoa học và khoa học luận" do dịch giả Hà Dương Tuấn trình bày đã diễn ra từ 8 giờ 45 phút (chậm hơn giờ dự kiến 15 phút) ngày 27/11/2010 tại Cà phê Văn Khoa với nhiều thảo luận khá sôi nổi và thú vị, với sự tham dự của hơn 15 nhà nghiên cứu trẻ. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi cùng quý bạn và mong quý diễn giả thông cảm.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được từ chương trình:


















Tin & ảnh: Phan Tuấn Quốc, Nguyễn Việt

25 Nov 2010

Khoa học luận, tại sao?

Đây là tài liệu liên quan đến bài nói chuyện của dịch giả Hà Dương Tuấn gửi đến chương trình "Café Học thuật Nhân văn" trong khuôn khổ chuyên đề "Lịch sử khoa học và khoa học luận". Mời quý bạn cùng đọc tham khảo.


Tóm lược
Hiển nhiên là khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng và đời sống con người. Thế nhưng đã từ lâu có sự rạn nứt giữa "văn hóa khoa học" và "văn hóa nhân văn". Điều này còn trầm trọng hơn trong các nước đang phát triển, chưa có một truyền thống khoa học vững chãi. Bài viết này đề nghị giảng dạy bộ môn khoa học luận trong các năm đầu của đại học, cả trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật lẫn trong các ngành nhân văn và xã hội, với hy vọng có thể góp phần, dù nhỏ bé, để bắc một cây cầu vượt qua "hố sâu giữa hai nền văn hoá". Nhìn cụ thể hơn, tuy rằng không thể hiểu sâu về khoa học nếu không thực sự lao động khoa học, có thể hy vọng bộ môn khoa học luận vừa chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động của các nhà khoa học tương lai vừa đem lại nhiều cảm hứng cho tư duy về xã hội và nhân văn của mọi người. Bộ môn Khoa học luận ở đây chủ yếu phải là lịch sử khoa học và kỹ thuật ; trên cơ sở đó, và song song với nó, người ta có thể tiếp cận những cái nhìn khác nhau về khoa học của các khoa học gia và triết gia lớn.
Abstract
There is no doubt that science and technology have an important impact on the way man lives and thinks. Yet there is a long-standing gap between "scientific culture" and "humanistic culture", which is even larger in developing countries, where there is no established scientific tradition. This short essay suggests that philosophy of science be taught to undergraduates, both in humanities and science and technology classes, in the hope of contributing, however slightly, to bridging the "cultural gap". From a more practical viewpoint, even though one cannot truly understand science without actually doing scientific work, hopefully philosophy of science could better prepare future scientists for their careers and enhance everyone's perceptions of humanistic and social issues. The philosophy of science curriculum should consist mainly of history of science and technology, which would provide a basis and a parallel approach to different views on science from great scientists and philosophers.  
 
Khoa học luận
Ở đây xin phân biệt khoa học luận với nhận thức luận. Nhận thức luận là một bộ phận nền tảng của triết học, nhằm khảo sát và tư duy tổng hợp về quá trình nhận thức của con người nói chung, trong đó khoa học là một thành phần. Trong quá khứ sự phân biệt này không hẳn rạch ròi, điều mà ta còn thấy qua ngôn ngữ: Trong tiếng Pháp, Epistémologie được hiểu là khoa học luận, còn nhận thức luận là Philosophie de la connaissance. Trong tiếng Anh thì Epistemology lại là nhận thức luận, và khoa học luận là Philosophy of science. Epistemology gồm hai gốc Hy Lạp Epistémè, dịch là hiểu biết hay là khoa học đều được, vì thời ấy không có phân biệt; và Logos, nghĩa rất rộng, có thể dịch là ngôn từ hay tư duy, ở đây cụ thể hơn là một môn học, một luận thuyết.
Khoa học luận gồm những tư duy về hoạt động khoa học, nó dần dần hình thành trong suốt thế kỷ 18, sau khi Vật lý học của Newton đã được chấp nhận rộng rãi, đồng thời Toán học, Hoá học, đã phát triển đến một trình độ độc lập với những giả định có tính siêu hình, và hình thành một lớp người được xác định qua hoạt động của họ: các nhà khoa học. Trước đó các nhà khoa học thường tự coi mình như những nhà triết học của tự nhiên. Chẳng hạn tác phẩm nền tảng của cơ học Newton, xuất bản năm 1687, vẫn có tên "Nguyên lý toán học trong Triết lý của tự nhiên"... như vậy cũng có nghĩa họ vừa làm khoa học, vừa làm khoa học luận, không phân biệt rành mạch. Các nhà khoa học luận hiện nay vẫn chỉ phát triển tư duy của mình về khoa học thực nghiệm là chính: vật lý học, hoá học, và gần ta hơn, cộng thêm sinh học. Toán học và luận lý học thì đã được coi như những công cụ tư duy, không có tính thực nghiệm[1]. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung không được các nhà khoa học luận đề cập đến kỹ lưỡng, có lẽ vì độ phức tạp của chúng quá lớn, thêm nữa chúng chỉ dựa trên quan sát và tư biện, không dựa trên thực nghiệm.
Do việc có hay không có thực nghiệm làm trọng tài cuối cùng mà một đằng đi đến được (hoặc tin tưởng sẽ đi đến được, trên các vấn đề còn mở) đồng thuận và thống nhất trên các kết quả cụ thể, phương pháp, và lý thuyết; một đằng thì, tuy có tính nghiêm túc và chặt chẽ trong phương pháp nghiên cứu, vẫn hình thành các trường phái với những giả định triết học khác nhau và những kết luận khác nhau trên cùng một số vấn đề. Trong nghĩa đó, bản thân khoa học luận cũng không phải là một khoa học chính xác, tuy rằng nó có một phần tương đối khách quan, đó là lịch sử phát triển khoa học, dựa trên đó những trường phái tư tưởng có thể có những giải thích và suy diễn khác nhau, tuỳ theo quan điểm về nhận thức luận.
Nói cách khác, có thể coi bộ môn khoa học luận vừa như một bộ phận của khoa học xã hội, vừa như một một bộ phận của triết học. Cũng chính vì thế, ít ra ở mức độ một giáo trình văn hoá cơ bản cho người có học trong thời đại ngày nay, hạt nhân – chính yếu và vững chắc, được đồng thuận cao – của khoa học luận phải là lịch sử khoa học, bao gồm sự xuất hiện của những lý thuyết, khái niệm, và những quy luật khoa học cơ bản, cùng ảnh hưởng qua lại của chúng với kỹ thuật, công nghệ, và khung cảnh tinh thần cũng như vật chất của xã hội. Nằm bên trong lịch sử (tương đối) khách quan này là sự biến chuyển của các lý thuyết và phương pháp luận khoa học[2], mà sự trình bày không thể tách rời khỏi thành phần thứ ba của khoa học luận, là những lập trường tiên thiên về nhận thức luận, về câu hỏi thế nào là sự hiểu biết vững chắc về tự nhiên; chính vì phương pháp luận khoa học là con đường tìm đến những hiểu biết đó. Vấn đề không phải là chọn lựa một quan điểm nhất định nào một cách giáo điều, thí dụ các học thuyết thời thượng của Karl Popper, hay của Thomas Kuhn, hay của một trong nhiều nhà khoa học luận quan trọng khác..., mà là giới thiệu các quan điểm khác nhau, mời gọi sự suy nghĩ riêng của mỗi người qua trình bày và thảo luận.
Khoa học và khoa học luận cổ điển
Có thể nói khoa học cổ điển[3] ra đời với những bác học nổi bật của thế kỷ 17 như Gallileo Gallilei (1564-1642), René Descartes (1596-1650), Gottfried Leibniz (1646-1716) và nhất là Isaac Newton (1642-1727)... trong đó Descartes và Leibniz còn là những triết gia về nhận thức luận. Nhưng người đặt ra vấn đề có thể nói cơ bản nhất của khoa học luận, ngày nay được gọi là vấn đề quy nạp, là David Hume (1711-1776), năm 1739, trong tác phẩm Luận về bản chất con người (traité de la nature humaine), ông hoài nghi về tính chân lý tuyệt đối của các quy luật vật lý: đó chỉ là sự quy nạp từ những nhận thức trong quá khứ rồi tổng quát hoá thành quy luật, thí dụ như quy luật mặt trời mọc mỗi buổi sáng, không có gì bảo đảm một cách tuyệt đối là ngày mai điều ấy sẽ tiếp tục như thế. Các quy luật khoa học chỉ có tính kinh nghiệm mà thôi. Vào lúc cơ học của Newton đang ở đỉnh cao, khi nhiều người cho rằng các quy luật cơ học là tuyệt đối chắc chắn, luận đề hoài nghi triết học độc sáng và không thể chối cãi này đã "đánh thức tôi tỉnh giấc ngủ giáo điều", theo lời của Imanuel Kant (1724-1804).
Chấp nhận hay không chấp nhận tính bất khả tri của Hume ? Và nếu không chấp nhận thì cứu vãn sự xác tín khoa học như thế nào, có thể có một lập trường dung hoà hay không ? Có thể bỏ qua câu hỏi này để suy tư về những vấn đề khác có ích hơn hay không ?
Có lẽ đây là những câu hỏi cho phép phân biệt và bước đầu tiếp cận những chủ thuyết của các nhà khoa học luận / nhận thức luận trong hai thế kỷ 18 và 19. Ở đây không thể phát triển dù ngắn gọn, chỉ có thể phác hoạ rất thô thiển về một vài nhà khoa học luận như sau:
Descartes và Liebniz là những người duy lý siêu hình (rationalisme métaphysique), tuy rằng nền tảng siêu hình của hai ông hoàn toàn khác nhau. Họ đều tin tưởng rằng có thể xây dựng triết học và khoa học trên những nền tảng siêu hình đó. Và như thế không có chỗ cho sự hoài nghi của Hume. Sự hoài nghi về những tiên thiên duy lý này đưa những người theo chủ nghĩa duy nghiệm (empirisme, tên gọi mà Kant dùng cho lập trường của Hume) đến việc tôn trọng kinh nghiệm đời thường hơn là lý thuyết.
Kant khẳng định khoa học thường nghiệm là có thể, đồng thời bác bỏ sự xây dựng khoa học trên nền tảng siêu hình. Để làm được việc ấy là quyển I của công trình đồ sộ "phê phán lý tính thuần tuý[4]", mà hệ thống khái niệm có ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến nay. Sự cứu vãn xác tín khoa học của Kant dựa trên cái giá phải trả (mà bây giờ vẫn còn thời sự) là chấp nhận tính bất khả tri của bản thể, cùng lúc với việc loại bỏ những xác tín siêu hình ra khỏi khoa học. Khoa học chỉ bàn về những hiện tượng mà thôi, và trong giới hạn đó ông không chia sẻ sự hoài nghi của Hume, mà cho rằng con người có những phán đoán tổng hợp (tiên thiên) về thế giới hiện tượng, như không gian và thời gian...
Auguste Comte (1798-1857) thường được gọi là nhà khai sinh cho thuyết thực chứng (positivisme). Với ông, tinh thần khoa học đồng nghĩa với tinh thần thực chứng. Comte đề cao hiện thực, nhưng khác với những người duy nghiệm, hiện thực của Comte không phải là những dữ kiện đầu tiên đến từ giác quan, mà là một hiện thực được tổ chức bằng lý trí. Đó là việc Comte đã thực hiện trong tác phấm bách khoa Giáo trình triết học thực chứng ( Cours de philosophie positive) viết từ 1830 đến 1842, trong đó các hiểu biết khoa học được sắp xếp thành 6 ngành: Toán, thiên văn, vật lý, hoá học, sinh học, xã hội học. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của Comte trong giáo dục khoa học suốt từ thời đó cho đến nay. Và tư tưởng thực chứng vẫn nằm trong đại đa số các nhà khoa học cũng như khoa học luận hiện đại, dù với những sắc thái tinh tế khác nhau, và nói chung họ không còn giữ niềm tin duy khoa học của Comte.
Ernst Mach (1838-1916) là một nhà vật lý học, chuyển sang triết học theo nghĩa phê phán tinh thần và hoạt động khoa học. Câu của Mach "nhà bác học phải sử dụng những khái niệm đơn giản nhất để đạt kết quả và loại bỏ mọi thứ mà giác quan không cảm nhận được" tượng trưng cho cả phần nên cộng và phần nên trừ của ông: Mệnh đề đầu rất sâu sắc và được Einstein nhắc lại nhiều lần, cũng như từ nguyên tắc đó mà những phê phán cơ học Newton của ông đã giúp vào tư duy của Einstein trong thuyết tương đối. Mệnh đề thứ nhì lại quá duy nghiệm, nó khiến ông gạt bỏ thuyết nguyên tử, vì thời ấy không có thí nghiệm nào cho thấy sự hiện diện của nguyên tử, dù gián tiếp hay trực tiếp, mặc dù người ta đã khám phá nhiều hiện tượng hoá học không thể giải thích nếu không dùng đến khái niệm nguyên tử[5].
Khoa học và khoa học luận hiện đại
Vào giai đoạn cuối của nền khoa học cổ điển, những bước tiến của cơ học, nhiệt động học, hoá học, điện từ học, quang học, toán học... khiến cho các ngành này giao thoa với nhau và đặt ra nhiều vấn đề mới. Ngoài vấn đề bức xạ của vật đen và thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng của Michelson và Morley, có quan hệ trực tiếp với thuyết lượng tử và thuyết tương đối, có thể liệt kê vài thí dụ nổi bật:
·        Phương trình của James Maxwell (1831-1878) năm 1861 đã thống nhất quang học và điện từ học.
·        Cơ học xác suất của Ludwig Boltzmann (1844-1906) giải thích được nguyên lý thứ hai của nhiệt động học.
·        Sự thắng thế dần của thuyết nguyên tử với John Dalton (1766-1844), quan sát thấy trong các phản ứng hoá học các thành phần chỉ tham gia theo những tỷ lệ nhất định; và với bảng tuần hoàn của Dimitri Mendeliev (1847-1907).
·        Đồng thời sự phát triển toán học đặt ra yêu cầu củng cố nền tảng lý luận, thúc đẩy luận lý học hình thức phát triển vượt bực.
Ngoài ra, ngành sinh học cũng trải qua một cuộc cách mạng: Thuyết tiến hoá khởi đầu với Jean Baptiste Lamark (1744-1829). Năm 1809 trong tác phẩm "triết học động vật" (philosophie zoologique) ông đặt ra giả thuyết động vật biến chuyển từ loài nọ sang loài kia, tuy nhiên giải thích của ông về sự di truyền của các đặc tính mà sinh vật đạt được qua tự thích ứng với môi trường là không đúng. 50 năm sau, Charles Darwin (1809-1882), trong tác phẩm "Về nguồn gốc các loài qua tuyển chọn tự nhiên" (On the Origin of Species By Means of Natural Selection - 1859) đưa ra giả thuyết tiến hoá tổng quát hoàn chỉnh và thuyết phục hơn, tuy ông cũng không nói gì về khả năng di truyền. Johann Gregor Mendel (1822-1884) đã khám phá những quy luật di truyền, công bố năm 1865, nhưng công trình của ông bị lãng quên, phải đợi đến những năm 20 của thế kỷ 20 thuyết tiến hoá của Darwin mới được bổ túc bằng đột biến ngẫu nhiên trong di truyền, thành thuyết tiến hoá "tân Darwin" được đồng thuận tuyệt đối trong các nhà khoa học, được giảng dạy (và vẫn được nghiên cứu phát triển thêm) ngày nay. Trong thế kỷ 20 sẽ xẩy ra một cuộc cách mạng sinh học vĩ đại nữa: việc khám phá phân tử ADN, nơi ghi lại các thông tin di truyền. Đó là kết quả của một chuỗi dài các thành quả cục bộ, với ba người đột phá cuối cùng là Rosalind Franklin, James Watson và Francis Crick, năm 1953. Khoa học của thế kỷ 20 bắt đầu với báo cáo của Planck ngày 14-12-1900 tại Hàn Lâm Viện Bá-Linh về tính không liên tục của năng lượng phát ra từ vật đen, mở đầu cho thời đại của cơ học lượng tử; rồi đến những công bố của Einstein: giả thuyết ánh sáng là lượng tử, và thuyết tương đối hẹp năm 1905, thuyết tương đối mở rộng năm 1914; hai lý thuyết này đã mở đầu một kỷ nguyên mới về nhận thức của con người về tự nhiên. Hiển nhiên là khoa học luận từ đó đã đổi mới sâu sắc. Nhưng có lẽ cũng cần nhấn mạnh là điều ấy không phải chỉ vì những kết quả mới đó của khoa học, mà còn vì quá trình chín muồi của nó trong thế kỷ 19.
Nhóm Vienne, gồm nhiều nhà khoa học và nhất là khoa học luận sinh hoạt như một câu lạc bộ từ khoảng 1924 đến trước đệ nhị thế chiến, khi họ vì lánh nạn Đức Quốc Xã nên phân tán đến Anh Quốc và Hoa Kỳ; nhiều người trở nên có ảnh hưởng lớn về khoa học và khoa học luận Hoa Kỳ, trong đó nổi tiếng nhất là Godel, Carnap và Quine. Nhóm này chịu tác động mạnh từ luận lý học hình thức, đồng thời có những đóng góp sâu sắc cho nó, khoa học luận của họ phát triển chủ nghĩa thực chứng bằng cách đào sâu vào tính lôgic của ngôn ngữ khoa học, được gọi là trường phái thực chứng luận lý[6] (positivisme logic).
Popper (1902-1994) cũng sinh hoạt tại Vienne thời ấy (sau ông sống ở Anh Quốc) nhưng có tiếp cận khoa học luận khác với nhóm Vienne. Popper có ấn tượng mạnh về quá trình Einstein sáng tạo thuyết tương đối và những cố gắng của các nhà vật lý học đương thời để tìm cách kiểm nghiệm nó. Do đó ông không đi tìm những tính chất cơ bản của khoa học trong ngôn ngữ của nó như những người thực chứng luận lý, mà trong sự so sánh giữa lý thuyết với thực nghiệm. Ông vạch ra lằn ranh giới nổi tiếng giữa khoa học và phi khoa học: một lý thuyết chỉ được gọi là khoa học khi nó có khả năng tiên đoán và xác định những hiện tượng mới, do đó có tiềm năng có thể bị thực tế thí nghiệm hay quan sát cho thấy tiên đoán đó sai[7]. Từ đó một lý thuyết mới ra đời, và đó là động cơ của tiến bộ khoa học.
Popper đã nêu ra được rõ rệt một tiêu chuẩn dễ hiểu cho một lý thuyết khoa học tự nhiên, và dù sao nói ra những điều hiển nhiên thì hơn là không nói ra. Lý thuyết khoa học nào chẳng phải là một lý thuyết cho phép tiên đoán những hiện tượng thực nghiệm mới ? và nếu B là hậu quả lôgích của lý thuyết A thì việc B sai dĩ nhiên dẫn đến kết luận (cũng lôgích) là lý thuyết A "có vấn đề". Nhưng đó chỉ là bước đầu, chính khi phân tích sâu hơn điều bất thường mới và rất quý giá này, người ta mới cần đến những hướng dẫn phương pháp luận: làm sao khẳng định hiện tượng B là hậu quả của lý thuyết A ? khi mà đo đạc các tham số của một hiện tượng là đã sử dụng ngầm khá nhiều lý thuyết khác nhau rồi ! thêm nữa, lý thuyết A là một tập hợp rộng lớn những mệnh đề và quy luật {ai}, vậy vấn đề của nó ở đâu ?
Imre Lakatos (1922-1974), một học trò của Popper, vừa phê phán vừa hoàn thiện Popper bằng cách đưa ra khái niệm "Chương trình nghiên cứu" (Programme de recherche), qua đó ông phân biệt, theo đồng thuận của các nhà khoa học trong một tình trạng nghiên cứu nhất định, những mệnh đề và quy luật "chắc chắn" với những mệnh đề và quy luật "mềm" hơn... tập hợp thứ hai này là điều có thế được thay đổi để tiến bộ.
Paul Feyerabend (1924-1994), một học trò khác của Popper, thì tuyên bố thẳng thừng trong tác phẩm "Chống phương pháp" (Against methods) sự phá sản của mọi cố gắng đi tìm "phương pháp luận" cho sự khám phá khoa học. Qua lịch sử khoa học, ông chứng minh thường những khám phá hay sáng tạo lớn đều vượt ra ngoài phương pháp luận khoa học đương thời, từ đó viết: làm gì cũng tốt ! (anything goes !)
Kuhn (1922-1996) là nhà khoa học luận thời thượng nhất hiện nay, và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Cơ cấu của các cuộc cách mạng khoa học" (The structure of scientific revolutions), trong đó khái niệm then chốt là khái niệm paradigma[8], và chuyển dịch paradigma, (paradigm shift) bây giờ được dùng khắp nơi, tưởng chẳng cần dài dòng thêm. Thành công của quan điểm của Kuhn chứng tỏ chúng có giá trị cao. Tuy nhiên, Kuhn khá mơ hồ về việc tại sao một paradigma mới lại được tập thể các nhà khoa học trong một ngành lựa chọn, điều này đưa đến cảm tưởng là điều ấy phụ thuộc nhiều vào chủ quan tâm lý, và có tính xã hội, như thế tính khách quan khoa học hoá ra là tương đối.
Những nhà khoa học luận kể trên đều thuộc khối sử dụng tiếng Anh, và đều được biết trên khắp thế giới. Điều này có lẽ không phải chỉ vì giá trị tự tại trong các tác phẩm của họ, sự vượt trội về khoa học, kỹ thuật và kinh tế, của Hoa Kỳ sau chiến tranh thứ hai có lẽ đã làm lu mờ một cách đáng tiếc nền khoa học luận của "châu Âu già nua", trong đó phải kể đến hai người Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980), Ferdinand Gonseth (1890-1975)... và nhà nghiên cứu sử khoa học và khoa học luận Pháp Gaston Bachelard (1884-1962). Có lẽ những cách tiếp cận cũng như những phát kiến của khối khoa học luận ngôn ngữ Pháp này có thể bổ sung nhiều cho những luận thuyết Áo-Anh-Mỹ nói trên. Có thể nêu một thí dụ: Trong khi cách tiếp cận của các tác giả Áo-Anh-Mỹ là cách tiếp cận ảnh hưởng bởi luận lý hình thức, đặt nặng trên tính cách đồng đại và cấu trúc, thì cách tiếp cận của Bachelard là biện chứng[9], đặt nặng trên tính lịch đại. Trước Kuhn khá lâu Bachelard đã đề ra khái niệm gián đoạn nhận thức (rupture épistémologique) tương tự như sự chuyển dịch paradigma nhưng có lẽ còn hoàn chỉnh hơn, vì ông quan niệm sự gián đoạn nhận thức như một vận động biện chứng của nhận thức, nhận thức mới vừa phủ định vừa bao gồm[10] nhận thức cũ.
Biện minh cho việc giảng dạy khoa học luận
Trên đây chúng tôi đã phác hoạ rất sơ sài, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, nội dung tổng quát của bộ môn khoa học luận, dựa trên lịch sử khoa học làm nền tảng, trên đó các nhà khoa học luận đã xây dựng những lý thuyết khoa học luận đặc thù của mỗi người; và qua đó chúng ta cũng có thể thấy mối liên hệ hữu cơ giữa sự phát triển khoa học và sự phát triển của tư duy về khoa học. Đến đây xin biện minh rõ hơn cho đề nghị giảng dạy khoa học luận tại những năm đầu của đại học, cho sinh viên của tất cả các ngành học.
Nhưng trước hết xin tự đưa câu hỏi phản biện: khoa học luận có thực sự cần thiết không ? tại sao trong nội dung của khoa học không có một mệnh đề nào của khoa học luận cả; và, nếu như chính nhà khoa học luận Feyerabend đã nói " làm gì cũng tốt !"[11], thì cứ để các sinh viên khoa học học kỹ về ngành của họ và tự do sáng tạo, chẳng đỡ mất thì giờ hơn sao ?
Không sai ! và cả thế giới đã làm như vậy cho đến cách đây trên dưới chục năm, bộ môn khoa học luận chỉ là một phần nhỏ được giảng dạy trong khoa triết. Trên cả thế giới người ta vẫn chỉ dạy và học những thành quả của khoa học, dạy cái đúng, chứ không dạy cách làm thế nào để tìm ra cái đúng, và nhất là làm gì để tìm ra những cái đúng cần thiết. Sự truyền bá về cách tư duy, về phương pháp, và về tay nghề này hình như chỉ được làm một cách gián tiếp, qua kinh nghiệm của thầy, qua môi trường sống và làm việc... theo đúng câu châm ngôn Pháp “ cứ rèn đi thì sẽ thành thợ rèn ”. Phương thức giáo dục này cho đến nay vẫn tỏ ra hiệu quả, ít nhất trong những bộ môn trừu tượng ít gắn liền với thực tế: “ cứ làm toán đi thì sẽ giỏi toán ” vẫn đúng với những người có khiếu. Về vật lý lý thuyết cũng vậy.
Nhưng trong thời đại ngày nay các vấn đề ngày càng phức tạp và đòi hỏi nghiên cứu liên ngành. Như thế những người cùng nghiên cứu phải nắm bắt ít ra là cái cơ bản trong lĩnh vực của các cộng sự trong ngành khác mình; và họ phải có được đồng thuận tối thiểu về những chuẩn mực khoa học. Thêm nữa, kho kiến thức tích tụ ngày càng nhiều, do đó phải học suốt đời, và tự học là chính; trong điều kiện này cái học về phương pháp ít ra cũng quan trọng ngang cái học về kết quả, và thật sự hai khía cạnh này bổ sung cho nhau.
Sự kiện là việc nghiên cứu khoa học trở nên phức tạp và liên ngành đặt ra một thách đố còn cơ bản hơn, liên quan đến vấn đề hay được gọi là vấn đề "hai nền văn hoá", "văn hoá khoa học" và "văn hoá nhân văn". Những nghiên cứu về khoa học xã hội, về hoạt động của bộ óc... chính là cần con người ngày mai vượt qua được khoảng cách giữa hai nền văn hoá đó. Chính vì vậy không những khoa học luận cần được giảng dạy cho sinh viên trong các ngành, mà bản thân khoa học luận còn phải được phát triển thêm rất nhiều, vì như chúng ta đã thấy, các nhà khoa học luận cho đến nay chỉ có những đóng góp rất khiêm tốn khi đi ra ngoài lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Như thế không phải để hy vọng các ngành khoa học "mềm" trở nên những hệ thống tiên-đề-diễn-dịch "cứng" như toán lý... mà để hy vọng trong nền văn hoá tương lai những người hoạt động trong các ngành khác nhau biết được những phương pháp luận đặc thù của mình, của người, và biết được những giới hạn của chúng. Để cùng có những thái độ mở, cùng nhau "chung sống hoà bình", và cùng nhau sáng tạo.
Sinh viên đại học tại Âu Mỹ sống hàng ngày trong một truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời, với những bậc thầy có thể đã là các bác học nổi danh vẫn còn đang nghiên cứu tại trường... vì thế giáo dục đại học đảm bảo được sự truyền bá và tiếp nhận tinh thần và phương pháp luận khoa học, qua thực tế nghiên cứu. Mặc dù vậy, bộ môn khoa học luận đang được khuyến cáo đưa vào chương trình đại học của cả các ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học nhân văn và xã hội, và điều này đã được nhiều đại học trên thế giới thực hiện.
Sự truyền bá tinh thần khoa học một cách vô hình từ thầy đến trò như thế rất hiếm tại các nước đang phát triển, và các bậc thầy có thể và có cố gắng làm việc ấy cũng gặp rất nhiều khó khăn, họ thường bị quá tải. Người ta thường chỉ truyền đạt lại kiến thức sách vở. Đó là một thiệt thòi cho sinh viên của các nước đang phát triển. Trong điều kiện ấy tìm hiểu về lịch sử và phương pháp luận khoa học như một môn học chính quy lại càng cần thiết.
Hà Dương Tuấn
(nguyên chuyên gia công nghệ thông tin)


[1]               Đặc biệt công cụ tin học, ngoài chức năng tính toán còn có thêm vai trò rất mới, như là một công cụ mô phỏng, một hình thức thực nghiệm "ảo" không thể thiếu cho các ngành khoa học thực nghiệm ngày càng phức tạp.
[2]               Ở đây không nói đến những thủ tục chặt chẽ khi tiến hành thí nghiệm hoặc khi viết luận văn trong cộng đồng khoa học, mà sự truyền đạt qua thực tiễn tại một môi trường đại học nghiêm chỉnh là điều cần thiết tối thiểu. Xin hiểu phương pháp luận khoa học trong nghĩa trừu tượng hơn như là những phương châm hay những nguyên tắc tư duy hướng dẫn cho việc nghiên cứu khoa học. Có thể nói đó là những biểu hiện của tinh thần khoa học.
[3]               Sẽ nhường chỗ cho khoa học hiện đại với thuyết tương đối và thuyết lượng tử ở đầu thế kỷ 20.
[4]               Bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, nxb Văn Học, 2004.
[5]               Cần nói thêm đây cũng là lập trường của Planck, cho đến 1914.
[6]               Với trường phái Vienne thì Thực chứng luận lý và Kinh nghiệm luận lý (empirisme logique) là đồng nghĩa, họ tự gọi bằng cả hai tên. Nhiều tác giả hiện nay lại gọi lập trường này là "tân thực chứng" (neo-positivism).
[7]               Đó là khái niệm phản nghiệm (falsifiability, réfutabilité), thuật ngữ do người viết bài này đề nghị, dựa trên nội dung của khái niệm để dịch chứ không dựa trên từ nguyên.
[8]               Paradigma hiện nay đã được dịch là khuôn mẫu, khung mẫu, mẫu hình, mô thức, cộng với vài thuật ngữ khác rất thiểu số, trong đó có thuật ngữ "hệ ý niệm" mà người viết bài này đã dùng để dịch khái niệm của Kuhn. Chữ này có nhiều nghiã hơi khác nhau, a) nghĩa cổ Hy Lạp, vẫn còn được dùng trong văn phạm (digma: cái cho xem, para: ở bên cạnh; tức là cái mẫu;­ hoặc cụ thể trong thủ công, hoặc trừu tượng trong học thuật), b) nghĩa trong thuật ngữ ngôn ngữ học, và c) nghĩa riêng của Kuhn. Do đó xin đề nghị liệt nó vào loại thuật ngữ không nên dịch, và dùng cách viết gốc Hy Lạp của nó.
[9]               Bachelard khẳng định mình là người duy vật, và khẳng định phương pháp luận biện chứng. Ông đồng sáng lập với nhà khoa học luận Thuỵ Sỹ Fernand Gonseth chuyên san Dialectica (năm 1947). Một tác phẩm cuối đời của ông có tên Chủ nghĩa Duy vật duy lý (Le matérialisme rationnel, 1953).
[10]             Việc nhận thức khoa học về hiện thực biến chuyển theo một quá trình biện chứng không có nghĩa là bản thân thế giới hiện thực vật chất cũng biến chuyển theo một quá trình biện chứng, hai mệnh đề này độc lập với nhau. Và có lẽ biện chứng bao gồm của nhận thức khoa học là đặc thù.
[11]             Có lẽ cũng phải thêm vào mệnh đề này vế thứ hai: miễn là đạt kết quả chặt chẽ về mặt lý thuyết và có hiệu quả thực tế ! Và tiếp theo đó cũng cần đặt câu hỏi: làm sao có được những con người tự do sáng tạo ? phải chăng họ cũng cần được giúp đỡ vượt qua những rào cản của nhận thức ? nghĩa là biết phê phán về những tư duy quá khứ nay đã không còn thích hợp nữa.