3 Oct 2012

Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm



 “Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm

Cà phê học thuật nhân văn, chuyên đề “Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm” – số chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại cơ sở Linh Trung, Trường ĐH KHXH&NV - vừa được diễn ra vào ngày 25/9/2012 tại Nhà học TDTT đa năng.
dienda
Báo cáo chuyên đề do diễn giả, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thơ-Phó Trưởng Khoa Văn hóa học – ĐH KHXH&NV trình bày. Trong chuyên đề giới thiệu đến các sinh viên, diễn giả đã khái quát những nội dung cơ bản về quá trình điền dã khoa học, trong đó có lựa chọn chủ đề, khoanh vùng nội dung, thiết kế công tác điền dã, sắp xếp tiêu điểm, tiếp cận thực địa và một số kinh nghiệm điền dã thực tế.
Để đạt được một kết quả khảo sát đáng mong đợi, theo TS. Nguyễn Ngọc Thơ, góc nhìn của người khảo sát là rất quan trọng. Xác lập một góc nhìn toàn phần, trong đó nhận diện các đặc điểm về lịch sử, địa lý, các yếu tố của nhân học văn hóa … được chứa đựng trong các hình thức, biểu hiện khác nhau của điều kiện, hoàn cảnh sống sẽ giúp người quan sát có thể nhận dạng, xác lập được các tiêu điểm, - những đặc điểm cơ bản phản ánh các giá trị văn hóa, cũng như những biến động, các nhân tố phái sinh qua tiến trình lịch sử.
Khảo sát tiêu điểm đòi hỏi sự dấn thân, khảo sát sâu hơn đối với đối tượng nghiên cứu. Không chỉ dừng lại ở các quan hệ xã hội, ở các mạng lưới thông tin, những biểu hiện đa dạng bề ngoài của lớp vỏ văn hóa, nhận diện tiêu điểm đòi hỏi sự khoanh vùng, quan sát theo chiều sâu về đối tượng, vào các hệ giá trị, các quan niệm sống, những đặc điểm tiêu biểu nhất mà chủ thể xác lập ở đối tượng nghiên cứu. Đứng trước một không gian văn hóa xác định- một khảo sát về đời sống tín ngưỡng của tộc người Bahnar ở Tây Nguyên, chúng ta sẽ xác lập tiêu điểm như thế nào? Liệu các chạm khắc sinh tồn được bố trí tại các khu nhà mồ, về tục lệ bỏ mả, hay những đặc điểm tương đồng - khác biệt về điêu khắc nhà mồ giữa tộc người Bahnar với tộc người Jrai sẽ giúp người nghiên cứu nhận thức chúng ra sao? Nhận diện tiêu điểm sẽ giúp người khảo sát tiếp cận định tính với phạm vi nghiên cứu khái quát, làm bộc lộ bản chất ở mức độ cao nhất.
Để thu nhận, xử lý các tư liệu gốc từ điền dã một cách tốt nhất, theo diễn giả, cùng với việc tái xây dựng thông tin và kết cấu văn hóa của chủ thể nghiên cứu, người khảo sát cần phải nhạy bén trong việc nắm bắt về các hoạt động văn hóa đang diễn ra và diễn giải chúng theo các cách thức khác nhau. Và để có được kết quả tốt nhất, trong nhiều trường hợp, người nghiên cứu cần phải “hóa thân” vào đời sống thực tế của cộng đồng, trở thành một thành viên có các phẩm chất mang đặc điểm chung của đời sống văn hóa của cư dân bản địa.
Trong chuyên đề này, TS. Nguyễn Ngọc Thơ cũng đã chia sẻ đến SV nhiều kinh nghiệm quý trong các chuyến điền dã ở các vùng miền khác nhau trong nước cũng như tại các nước  trong khu vực.