20 Jul 2012

CAFÉ HỌC THUẬT NHÂN VĂN – CHẶNG ĐƯỜNG HAI NĂM TIẾP LỬA CHO TINH THẦN ĐẠI HỌC CHÂN CHÍNH


Tìm hiểu khoa học là một việc không dễ dàng, nhưng đó là đam mê và trách nhiệm của những người đã dấn thân vào con đường khoa học.
Tuy vậy, trong một nền giáo dục mang nặng tính truyền thụ một chiều như Việt Nam cùng với trào lưu thương mại hóa giáo dục như hiện nay thì thật khó để “giữ lửa” cho những người mới chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường gian khổ ấy. Không ít nhà khoa học và nhà giáo tâm huyết đã cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này. Kết quả là nhiều giải pháp ra đời đã truyền chút lửa và hơi ấm cho tinh thần đam mê khoa học. Chương trình Café Học thuật Nhân văn ra đời cách đây hai năm là một trong những giải pháp ấy.


Chặng đường tiếp sức cho tinh thần khoa học

Café Học thuật Nhân văn là một chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận, từ tháng 6/2010 đến nay, chương trình đã thực hiện được 40 buổi tọa đàm với các lĩnh vực lịch sử, nhân học, xã hội học, triết học, đô thị học, dịch thuật, những buổi giới thiệu sách và những buổi trò chuyện hướng nghiệp. Chương trình xác định mục tiêu “góp lửa” cho tinh thần nghiên cứu khoa học chân chính và đã phần nào thực hiện được mục tiêu đó, nhất là trong giới sinh viên khoa học xã hội. Chương trình đã giúp sinh viên tiếp cận những chủ đề hàn lâm và “khó nhằn” như: Triết học hậu hiện đại; Tiếp cận truyền thống từ viễn tượng Thông diễn học; Về các khái niệm của Roland Barthes; Vốn xã hội – tác động và phát triển; Cá nhân và cộng đồng, v.v… bằng cách thức giản dị là tạo một không gian cởi mở để những người có cùng đam mê học thuật ngồi café, trò chuyện thân mật bên nhau. Nhờ đó, nghiên cứu không còn là nhiệm vụ nặng nề mà là niềm vui cho các bạn sinh viên. Một không gian học thuật cởi mở như vậy còn tạo điều kiện cho sinh viên nói lên chính kiến của mình với tinh thần “tự do học thuật”, dám phát biểu những ý kiến đối lập, và rèn luyện khả năng tư duy khác biệt chứ không chỉ “thầy nói trò nghe”. Bên cạnh đó, sinh viên còn tiếp thu được thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu ngoài lớp học.


Chương trình đã nhận được sự cộng tác và giúp đỡ to lớn của các học giả trong, ngoài nước. Có những chuyên đề chỉ giới hạn trong khuôn viên nhỏ với vài chục người tham gia, nhưng cũng có chuyên đề quy mô lớn thu hút được hàng trăm bạn trẻ yêu khoa học. Đơn cử như buổi tọa đàm “Bàn về tinh thần đại học” thu hút được gần 500 sinh viên của các trường đại học tham gia. Trong chương trình này, TSKH. Nguyễn Xuân Xanh đã phát biểu về mục tiêu đại học như sau: “Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa... Mục tiêu của đại học là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức hơn là lý do từ kinh tế”. Đó cũng là tinh thần học thuật chân chính mà những người làm chương trình muốn hướng đến.

Vững bước trên con đường đã chọn

Thời gian sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục hoạch định những chủ đề và tìm kiếm những diễn giả phù hợp. Trong tương lai gần sẽ là chuỗi các buổi tọa đàm về phương pháp nghiên cứu khoa học, tiếp đó là các buổi về lý thuyết khoa học xã hội. Những người làm chương trình hi vọng sẽ xây dựng chương trình ngày càng chuyên nghiệp và có hệ thống hơn. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, những người tổ chức còn mong muốn xây dựng một Tủ sách Café Học thuật với những tài liệu và bài viết do các diễn giả đóng góp. Trong khuôn khổ tủ sách, nhóm làm chương trình cũng đang thực hiện Bút ký Café Học thuật, ghi chép lại và biên soạn những bài nói chuyện, phân loại theo từng chủ đề và in thành sách. Những quyển sách này sẽ được góp vào Tủ sách Café Học thuật để những ai không có điều kiện tham gia chương trình có thể tham khảo, ngoài ra nguồn sách này sẽ được bán trong chương trình sách trợ giá cho sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.


Hai năm là một chặng đường không dài, nhưng nó cũng đã minh chứng được cho nỗ lực không ngừng của những người thực hiện chương trình, dù đôi lúc không tránh khỏi những khó khăn, vấp váp, nhưng chương trình luôn giữ vững tiêu chí tiếp sức cho một tinh thần học tập chân chính, như phát biểu của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi “bàn về tinh thần đại học” Humboldt: “Trước mọi sự xô bồ và khắc nghiệt của cuộc sống, nhà trường càng cần phải là cái đối ứng, thậm chí, cái đối cực để nuôi dưỡng lý tưởng, không để lý tưởng bị sa đọa và suy kiệt. Nói ngắn, tuổi hoa niên và những tháng ngày được cấp sách đến trường là món quà quý báu và đẹp đẽ nhất của một đời người: hãy để cho tuổi trẻ học được cách làm chủ bản thân mình và không bao giờ chịu làm nô lệ, kể cả làm nô lệ cho nghề nghiệp và cơm áo'.

Ban chủ nhiệm chương trình Café học thuật Nhân văn



Thư mời Café học thuật Nhân văn - Những góc nhìn tri thức



Thư mời
Café học thuật Nhân văn - Những góc nhìn tri thức

Sau 2 năm triển khai chương trình Café học thuật Nhân Văn với các chuyên đề đa dạng và sự đóng góp nhiệt tình của các diễn giả uy tín trong giới nghiên cứu, chương trình đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên với mục đích không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng của các chuyên đề, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp & Phát triển nguồn nhân lực sẽ tổ chức chương trình "Café học thuật Nhân Văn - Những góc nhìn tri thức" nhân kỷ niệm 2 năm hình thành. Đây sẽ là dịp gặp gỡ và trao đổi cùng các diễn giả đã tham gia diễn thuyết các chuyên đề Café học thuật.

Trung tâm trân trọng kính mời Quý anh/chị đến tham dự chương trình họp mặt
Thời gian: 9h00 ngày 26/07/2012 (Thứ năm)
Địa điểm: Phòng A001 - số 10-12 Đinh Tiên Hoàng Quận 1
Nội dung:
+ Tổng kết 2 năm hình thành và phát triển chương trình Café học thuật Nhân văn
+ Trao đổi cùng các diễn giả từng diễn thuyết tại café học thuật Nhân Văn như: 
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn
PGS.TS Trần Hữu Quang
TS. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ
ThS. Lê Minh Tiến ...

Vui lòng xác nhận đăng ký tham gia chương trình 
tại đây