13 May 2012

“Các quy tắc của phương pháp xã hội học của Emile Durkheim”


Cà phê học thuật số đầu tháng 5, chuyên đề giới thiệu tác phẩm sách “Các quy tắc của phương pháp xã hội học của Emile Durkheim”  do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành - vừa diễn ra vào sáng ngày 12/5 tại Trường ĐH KHXH&NV.Chương trình có sự tham gia của diễn giả, dịch giả Đinh Hồng Phúc và nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ.
durkheim.1
Émile Durkheim (15/4/1858 - 15/11/1917) là một trong những nhà sáng lập môn xã hội học. Hệ thống phương pháp luận của ông đã có vai trò to lớn trong việc tiếp cận và nghiên cứu về đời sống xã hội trong các góc cạnh và lát cắt khác nhau.  Ông cũng được xem là người đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa cơ cấu, người đặt nền móng cho sự hình thành bộ môn nhân chủng học. Trong tác phẩm Các quy tắc của phương pháp xã hội học được xuất bản lần đầu vào năm 1894, ông chỉ ra rằng, xã hội học có cả hệ thống phương pháp luận với các quy tắc nghiên cứu cụ thể.
Read More
emile_durkhei
Hình E.Durkheim và tác phẩm các qui tắc của phương pháp xã hội học
Từ cách tiếp cận của E.Durkheim, xem xã hội học như là bộ môn nghiên cứu về các sự kiện xã hội, nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ làm rõ thêm, mặc dù đối tượng của xã hội học là các sự kiện xã hội song các sự kiện này, - khi nghiên cứu cần phải xem xét nó trên những dữ kiện, biểu hiện ngoại tại với tất cả những biểu hiện khách quan, cụ thể mà nhà xã hội học có thể nhận định, nhận thức về nó.
Dịch giả Đinh Hồng Phúc nhấn mạnh thêm, trong truyền thống nhận thức của người phương Tây cho đến trước E. Durkheim, tư duy lý tính trong nhận thức thế giới khách quan luôn giữ vai trò chính yếu, trong đó học thuyết về bốn nguyên nhân: nguyên  nhân vật chất; nguyên nhân mô thức; nguyên  nhân vận động và nguyên nhân mục đích – được xuất phát từ nhị nguyên luận Aristote (nhà triết học Hy Lạp cổ đại – 384- 322 TCN), - là một trong các phương pháp nhận thức cơ bản trong quá trình nhận thức. Nhưng đối với E.Dukheim, nhận thức không chỉ có một con đường. Giải thích về đời sống xã hội hay hay giải thích hiện tượng xã hội ta cần phân biệt nguyên nhân gây ra hiện tượng đó và chức năng mà hiện tượng đó thực hiện. Do vậy, xác lập tính khách quan, tính phổ quát và cả những yếu tố của sự kiểm soát xã hội, - những đặc điểm cấu thành nên các sự kiện xã hội là những nhân tố cần phải được xem xét đến.
Với những quan điểm và lý thuyết xã hội học mới được thể hiện trong tác phẩm của mình, E.Durkheim đã thực sự đưa xã hội học trở thành bộ môn khoa học đứng trên một nấc thang mới - nấc thang của môn khoa học độc lập và tự trị. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời tựa của tác phẩm, "Khi cuốn sách này xuất bản lần đầu, nó làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt. Những tư tưởng hiện hành, như thể bị ngỡ ngàng, đã chống lại ngay từ đầu với một sức mạnh đến mức, trong một thời gian, chúng tôi hầu như không thể nào lên tiếng trả lời  được".
Nhưng điều đó, các cuộc tranh cãi, chống đối đem đến những sự xáo trộn ban đầu đó lại đang dẫn độc giả, các nhà nghiên cứu đến với con đường mới của nhận thức, con đường mà E.Durkheim đã tiên phong khai phóng. “Người ta ít có thói quen xử lý các sự kiện xã hội một cách khoa học đến mức một số mệnh đề trong cuốn sách này có thể làm cho độc giả ngạc nhiên. Thế nhưng, nếu có một bộ môn khoa học nghiên cứu về các xã hội, thì ta buộc phải không chờ đợi ở nó một lời giải thích dông dài đơn giản về các tiên kiến (préjugés) truyền thống, đúng hơn, nó phải làm cho chúng ta thấy được các sự vật theo cách nhìn khác với người bình thường; bởi lẽ mục đích của bất cứ bộ môn khoa học nào cũng là tạo ra những sự khám phá, và mọi sự khám phá như thế ít nhiều gây xáo trộn các ý kiến đã được chấp nhận”.
Một số hình ảnh của chương trình
durkheim.1


durkheim.2


durkheim.3