23 Mar 2011

LÀM XÃ HỘI HỌC ĐỂ LÀM GÌ? CÂU TRẢ LỜI CỦA BOURDIEU - PHẠM NHƯ HỒ - TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TRÍ VIỆT


LÀM XÃ HỘI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

CÂU TRẢ LỜI CỦA BOURDIEU

Phạm Như Hồ

Trung tâm nghiên cứu Trí Việt

Nội dung buổi nói chuyện:

Giới thiệu chung về nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu và tác phẩm mới được dịch ra tiếng Việt của ông: Sự thống trị của nam giới (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri thức, 2011)

Thông tin chi tiết : http://www.nxbtrithuc.com.vn/tu-sach-tinh-hoa/18-su-thong-tri-cua-nam-gioi

Thông tin diễn giả:

GV Phạm Như Hồ - Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Trí Việt

Dự án Đại học Quốc tế Trí Việt là phát kiến của một tập hợp trí thức người Việt tận tâm, có nhiều kinh nghiệm, đã nghiền ngẫm, cân nhắc ý tưởng và tầm nhìn của dự án trong nhiều năm trước khi bắt tay vào thực hiện.

Thời gian và địa điểm:

8h00 – 11h:00, ngày 02/04/2011

Sảnh C, ĐHKHXH&NV, 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng

P Bến Nghé, Quận I, TP HCM

Thông tin liên hệ

Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn Nhân lực

Phòng C001 bis, ĐH KHXH&NV TPHCM, 10 -12 Đinh Tiên hoàng, Quận1

Điện thoại: (848) 39102989 | Email: cafehocthuatnhanvan@gmail.com

Vì số lượng chỗ ngồi có hạn, để phục vụ quí vị được tốt hơn xin vui lòng đăng kí trước ngày 2/4/2011.

Rất hân hạn được đón tiếp!

Ý tưởng Đại học trực tuyến - Phạm Văn Trường

Chương trình Cafe học thuật Nhân văn (22/3) chuyên đề : "Bàn về tinh thần đại học" đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên . Ngoài việc đến trực tiếp hội trường D, ĐHKHXH&NV để trao đổi với các diễn giả, một số bạn đã gửi email đến cho chương trình. Trích dưới đây là email của bạn Phạm Văn Trường về ý tưởng về Đại học trực tuyến.

HCM 21/3/2011

Phạm Văn Trường

Đại Học Giao Thông Vận Tải tp HCM

Ý TƯỞNG: ĐẠI HỌC TRỰC TUYẾN

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(Hồ Chí Minh). Vậy tại sao vẫn có những người không được học đại học ?. trường Đại Học Trực Tuyến sẽ là con đường hiện thực hóa ước mơ, ai ai cũng có quyền được học, dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù thành thị hay vùng sâu vùng xa”

Giới thiệu ý tưởng.

Đất nước ta đã bước vào thời đại công nghệ thông tin, công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích. Chính vì lợi thế đó, Đại Học Trực Tuyến sẽ là bước đi tiên phong giúp phát triển nguồn nhân lực. hình thức đào tạo này có thể nhanh chóng đưa kiến thức đến mọi vùng miền

Đào tạo trực tuyền đang là xu hướng toàn cầu, những quấn sách bằng giấy nay đã được số hóa thành ebook, sách điện tử, các bài giảng cũng cũng đã trở thành những giáo trình điện tử và thành những video chia sẻ trên internet. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Đại Học Trực Tuyến sẽ là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.

Hình thức đào tạo

Mọi người có thể đăng ký học miễm phí tại web của trường. Theo một chương trình đào tạo trực tuyến, ví dụ: muốn hoàn thành khóa học của ngành quản trị kinh doanh thì học sinh phải hoàn thành 50 điểm kiến thức chuyên ngành và 50 điểm xã hội ( tình nguyện viên, báo cáo tình hình kinh tế, xã hội nơi học sinh ở, biện pháp bảo vễ môi trường, ý tưởng phát triển kinh tế, …). Đào tạo trực tuyến phải hoàn toàn minh bạch, tổ chức thi theo hai hình thức, một thi trực tuyến, hai là thi theo hình thức thông thường, tổ chức các kỳ thi thông thường ở các huyện và thành phổ gần học viên nhất.

Lợi ích

Lợi ích về mắt kinh tế : chí phí để xây dựng một trường Đại Học Trực Tuyến rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng một trường đại học thông thường, không tốn diện tích đất, chi phí đi lại của học sinh từ nông thôn lên thành phố. Chi phí nhà trọ. Một giáo sư trong một giờ chỉ có thể giảng cho tối đa 100 học sinh, nhưng nếu với một video bài giảng có thể cho hàng triệu học sinh. Mỗi học sinh chỉ cần bỏ tiền ra mua một chiếc máy tính là đã có thể dễ dàng học được ngay, giúp tăng nhanh chóng nguồn nhân lực cho quốc gia

Lợi ích về mặt xã hội : mọi người đều có thể được học, nâng cao trình độ dân trí rộng khắp, giảm tình trạng tệ nãn xã hôi ở khu nhà trọ, cùng rất nhiều lợi ích khi tất cả mọi người được học.

Lợi ích chung : nâng cao tính chủ động của học sinh, chủ động tìm tòi học hỏi, giảm bớt sự gánh nặng về thiếu giảng viên,

Và còn rất nhiều nếu chúng ta cùng phân tích, mong nhận được sự đóng góp. Xin chân thành cảm ơn

Báo chí nói gì về chương trình Cafe học thuật Nhân Văn "Bàn về tinh thần đại học"


Những nhà làm giáo dục thấy xót xa
TS Bùi Trân Phượng vẫn nhớ một câu hỏi của sinh viên mà bà cho là “đã xoáy sâu vào trái tim của những người làm công tác giáo dục”. Bà đã mang câu hỏi này tới buổi thuyết trình bàn về tinh thần đại học, diễn ra tại trường Đại học KHXH & NV TP.HCM chiều ngày 22/3.

“Ngày nay, các du học sinh trở về đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều. Không chỉ thế rất nhiều người nước ngoài được đào tạo bài bản đến Việt Nam công tác. Với những lý do đó, làm sao những sinh viên được đào tạo ở trong nước có thể cạnh tranh lại được với họ mà tìm ra cho mình một chỗ đứng?”

Các nhà làm giáo dục bàn về tinh thần đại học trong buổi thuyết trình. Ảnh: Thanh Huyền.
Góp lời với buổi thuyết trình, TS. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quyết Thắng, tác giả của cuốn sách "Khoa cử và Giáo dục Việt Nam “ nghĩ nên bỏ hệ đại học tại chức. Như vậy cũng chính là góp phần làm tốt tinh thần đại học”.

Theo TS Thắng, thời gian học của hệ đại học tại chức ở Việt Nam dạy rất ít, chất lượng thi cử, học hành không tốt, sinh viên ra trường đa số chẳng nắm được gì. Không chỉ thế, việc mở trường đại học tràn lan như hiện nay nhưng chưa quản lý được cũng ảnh hưởng đến tinh thần đại học.

Thôi hô hào “tôn sư trọng đạo”


Theo bà Phượng, muốn làm tốt được tinh thần đại học thì ta phải cải cách từ dưới lên.
“ĐH phải lấy nghiên cứu làm đầu tàu. ĐH cần có giao lưu thường xuyên với các ĐH thế giới và có cùng thước đo về học thuật. ĐH phải có nhiều quyền tự chủ hơn. Và điều sống còn: ĐH phải có văn hóa trọng đãi nhân tài. Phá hủy văn hóa này là phá hủy nền ĐH” – GS Nguyễn Xuân Xanh

“Phụ huynh và xã hội cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho giáo dục ngoài việc…đóng học phí. Họ cho con em học tràn lan, học lấy bằng xong vẫn chẳng biết gì, rất lãng phí…” – Bà Phượng nói.

Bà Phượng đã từng chứng kiến khá nhiều du học sinh con nhà giàu đi học theo diện tự túc ở những nước tiên tiến nhất, đóng học phí mắc tiền nhất.

Ở tuổi 18, việc học xa nhà là chuyện chẳng mấy ghê gớm với sinh viên các nước. Tuy nhiên, với sinh viên Việt Nam thì đó lại là một cú sốc bởi đã quá quen sống trong sự nuông chiều của cha mẹ, không có khả năng tự lập.

Đặc biệt, bà Phượng cũng kêu gọi các thầy, cô giáo thôi hô hào khẩu hiệu “tôn sư trọng đạo” mà nên chú trọng hơn vào công tác đào tạo.


Một sinh viên thắc mắc về vấn đề đào tạo đại học tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Huyền
“Giáo viên hãy giao cho sinh viên cá thể hóa việc học tập, để các em tự nhiên phát triển, nghiên cứu và phản biện thì mới phát huy sự sáng tạo đạt kết quả tốt” – bà nói.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng phải ít nhất biết trôi chảy tiếng Anh để có thể đi học nâng cao chuyên môn ở nước ngoài, tiếp thu những tiên tiến về áp dụng cho công việc giảng dạy.
“Nền giáo dục chủ yếu tạo nên cho con người một lý tưởng để vươn theo. ĐH đào tạo cho thanh niên, thiếu niên lý tưởng để có thể mỉm cười trước những khó khăn, thách thức. Đó mới chính là tinh thần và triết lý của ĐH” – Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn

Ngoài ra, để tìm lại tinh thần đại học theo đúng nghĩa của nó thì các trường đại học phải tự chủ về nguồn tài chính chứ không chỉ trông mong từ ngân sách ít ỏi.

Trong giờ thảo luận của buổi thuyết trình, đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau tại TP.HCM đã bày tỏ thắc mắc của mình về việc đào tạo tại đại học.

Các sinh viên đặt ra các câu hỏi như: “Tại sao tại nước ngoài các trường đại học thường gắn liền với một trung tâm nghiên cứu nào đó còn Việt Nam thì không? Theo tinh thần đại học là khuyến khích sinh viên nghiên cứu và phản biện. Tuy nhiên, mỗi buổi học, một giảng viên lên giảng cho 100 sinh viên. Như thế thì thời gian đâu ra mà phản biện nữa?”



Thế nào là “tinh thần đại học”?

TT - Chiều 22-3, hơn 500 sinh viên từ các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã cùng các diễn giả, nhà quản lý giáo dục trao đổi cởi mở xoay quanh nội dung “Tinh thần ĐH” trong một buổi cà phê học thuật được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Sinh viên Đinh Nguyễn Huyền Trân, khoa ngữ văn Đức Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), đặt câu hỏi với các học giả - Ảnh: MINH ĐỨC

Các diễn giả, sinh viên tham dự chương trình đã cùng trao đổi, kiến giải để làm rõ: thế nào là "tinh thần ĐH"?

Biết mỉm cười trước những khó khăn, thách thức

TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - dẫn ra thực tế các trường ĐH cảm nhận có quá nhiều quyền lực ở “trên” mình. TS Phượng nói: “Trên thực tế ở nước ta, sự quản lý giáo dục ĐH tập trung chưa có sự thuyết phục về hiệu quả, giám sát mà thường tạo cảm giác nặng nề về mệnh lệnh hành pháp, về quan liêu hóa quản lý ĐH. Chưa nói đến sự rập khuôn, áp đặt, những chuẩn mực mang tính hình thức, những trì trệ, khiếm khuyết khác, trong đó có những căn bệnh thâm căn cố đế có nguy cơ triệt tiêu tinh thần ĐH từ trong bản chất cốt lõi nhất của nó”.

TS Nguyễn Khắc Cảnh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng: “ĐH là nơi giữ cho tri thức luôn sống động, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các tài năng, đồng thời giúp người học biết tư duy thật sự... không rập khuôn, không sợ hãi, không thiết tha trông chờ ai đó nắm tay dẫn dắt bước đi”.

Từ nhận định “ĐH đang là vấn đề xã hội quan tâm ở VN”, TSKH Nguyễn Xuân Xanh cho rằng ĐH tốt nhất nên là lấy nghiên cứu, khám phá kết hợp với giảng dạy, tự do giảng dạy.

Dẫn lời một nhà giáo dục nước ngoài, ông đưa ra quan điểm: “ĐH không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Các ĐH không chủ ý dạy tri thức đòi hỏi để làm cho con người phù hợp với các cách kiếm sống nào đó. Mục tiêu của ĐH không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa... Mục tiêu của ĐH là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức hơn là lý do từ kinh tế”.

Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn khiến nhiều sinh viên thích thú với những câu chuyện để sinh viên tự nhận thức “tinh thần ĐH” qua những câu chuyện thời sinh viên của ông. Từng nghiên cứu, giảng dạy triết học ở Đức trong một thời gian dài, đồng thời nghiên cứu lý tưởng ĐH Humboldt về tự do trong học thuật, nghiên cứu, nhà triết học Nam Sơn nhấn mạnh: “Nền giáo dục chủ yếu tạo nên cho con người một lý tưởng để vươn theo. ĐH đào tạo cho thanh niên, thiếu niên lý tưởng để có thể mỉm cười trước những khó khăn, thách thức. Đó mới chính là tinh thần và triết lý của ĐH”.

Phải có văn hóa trọng đãi nhân tài

Theo TS Bùi Trân Phượng, sự tự do trong ĐH là “tự do học thuật”, có nghĩa trong học thuật nhà khoa học này có quyền đưa ra một kiến giải trong khi một nhà khoa học khác cũng có quyền đưa ra một kiến giải khác. Một nhà khoa học dù là hiệu trưởng trường ĐH thì điều này cũng không tăng thêm trọng lượng, sức thuyết phục cho kiến giải khoa học của người đó.

Một sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) băn khoăn: hiện nay đa số các trường ĐH mở ra đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chủ yếu là các ngành kinh tế. Làm sao có thể phát triển đồng đều giữa các ngành khoa học? TS Đoàn Lê Giang cho rằng ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện đang gặp nhiều khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dễ dãi trong việc mở ngành đào tạo, ai cũng có thể mở ngành và dạy những ngành học này được, không cần sự đầu tư lớn. Trong khi đó, để mở một ngành trung cấp nghề điện lại rất khó khăn...

Một sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) lại thắc mắc: hiện nay một giảng viên giảng dạy cho cả trăm sinh viên thì làm sao phản biện tốt được. “Ở nước ngoài, những trường ĐH luôn gắn liền với các viện nghiên cứu lớn, trong khi ở VN thì ngược lại. Tinh thần ĐH có cần đến việc gắn kết giữa trường ĐH với viện nghiên cứu?” - sinh viên này nêu câu hỏi.

TS Bùi Trân Phượng cho rằng các trường ĐH nếu thực hiện học chế tín chỉ một cách đúng đắn thì sinh viên có không gian và thời gian để thảo luận, phản biện theo từng nhóm nhỏ và có người hướng dẫn. Tuy nhiên theo bà Phượng, hiện nay nhiều trường ĐH chưa làm đúng nên không thể phát huy mô hình này.

Riêng vấn đề gắn kết giữa trường ĐH và viện nghiên cứu, bà Phượng cho biết hiện vẫn có nhiều nước áp dụng mô hình trung tâm nghiên cứu tách rời nhưng vẫn lấy nghiên cứu viên từ các trường ĐH và có sự liên thông với nhau. Các giảng viên ĐH vừa là nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu quốc gia. “Vấn đề là ở chất xám đội ngũ tri thức chứ không chỉ là công việc tổ chức”.

Trong khi đó, TSKH Nguyễn Xuân Xanh nói: “ĐH phải lấy nghiên cứu làm đầu tàu. ĐH cần có giao lưu thường xuyên với các ĐH thế giới và có cùng thước đo về học thuật. ĐH phải có nhiều quyền tự chủ hơn. Và điều sống còn: ĐH phải có văn hóa trọng đãi nhân tài. Phá hủy văn hóa này là phá hủy nền ĐH”.

TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH

(Báo tuổi trẻ : http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/tuoitre.vn/The-nao-la-tinh-than-dai-hoc/5922033.epi )

Kỷ yếu Humboldt 200 năm:

Từ cội nguồn đại học đến tinh thần đại học hiện đại

SGTT.VN - Kỷ yếu Humboldt 200 năm được hoàn tất ra mắt độc giả ngày 23.3.2011. Hơn 40 tác giả trong và ngoài nước đã tham gia viết bài, trong đó có một số học giả nước ngoài.

Bìa kỷ yếu Humboldt 200 năm.

Đại học là cội nguồn của sức mạnh quốc gia, là tiến bộ của xã hội, nếu ai biết sử dụng nó đúng chỗ. Điều đó đã được thế giới chứng minh hùng hồn ít nhất 200 năm qua, từ khi đại học Berlin (Humboldt) ra đời để nhận lãnh sứ mệnh lớn lao của nó: xây dựng lại giang sơn đã đổ nát, “lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát vật chất” cho quốc gia. Kỷ yếu Humboldt sẽ truyền được “chút lửa và hơi ấm” cho bạn đọc, và có đóng góp nhỏ gì trong công cuộc chấn hưng giáo dục đại học nước nhà.

Chủ trì biên soạn Kỷ yếu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cho rằng, kỷ yếu được thực hiện trong tinh thần xây dựng, không trong tinh thần “đối kháng”, hay loại bỏ nhau, tuy không loại trừ phê phán. Và mọi ý kiến đều là ý kiến cá nhân. Ông nói: “Phép biện chứng cần hai vế: chính đề và phản đề. Chỉ có một vế thì đồng nghĩa với “độc thoại". Một bàn tay làm sao vỗ được nên tiếng? Có lẽ trừ các thiền sư Nhật Bản. Việt Nam đã đối kháng quá nhiều trong lịch sử cận đại, chỉ đem lại mất mát thêm thôi. Chúng ta cần có thái độ bao dung hơn, biết chấp nhận những ý kiến khác biệt, kể cả ý kiến phê phán. Người Việt thường “bị nổi tiếng” là dễ chia rẽ, trong khi đối thoại với người phương Tây sao rất dễ dàng. Họ tôn trọng, thành thực, lắng nghe và giữ hòa khí hết sức văn minh và rất tự nhiên. Những người Việt Nam ở cương vị càng cao, càng nên biểu lộ thái độ hòa hợp và trọng thị hơn, càng nên bắt cầu nối đối thoại hơn. Điều đó mới nói lên sự xứng đáng hơn của cương vị và trách nhiệm. Tri thức của cả dân tộc hãy còn quá nhỏ bé so với cái biển tri thức của nhân loại, của các dân tộc đã đi trước hằng thế kỷ. Cho nên xin đừng xé rách và loại bỏ nhau, mà hãy lắng nghe nhau trong niềm mong muốn học hỏi, xây dựng và tôn trọng nhau. Hãy để Humboldt nói với chúng ta: “Chân lý là cái mãi mãi phải đi tìm…”.

Bà Bùi Trân Phượng, một trong những diễn giả của buổi trao đổi “Bàn về tinh thần đại học” vào ngày 22.3.2011 tại trường đại học KHXH&NV TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi vừa mới tổng kết cuộc thi “Tôi mong đợi gì ở Đại học Việt Nam” trên trang web 200 năm ĐH Humboldt, thật bất ngờ có những bài viết của các em sinh viên năm thứ nhất rất hay và cả các ý kiến rất giản dị góp cho giáo dục Việt Nam từ các phụ huynh. Tôi cho rằng việc xây dựng Đại học ở Việt Nam cần bắt đầu bằng sự nỗ lực từ bên dưới. Từ những nhân viên các trường cho đến học sinh, sinh viên, phụ huynh chứ không chỉ là các giảng viên. Cách đây 3 năm, một nhà báo hỏi tôi về câu chuyện giáo dục đại học, tôi nói điều đầu tiên tôi lo lắng chính là người Việt mình tự đánh mất thói quen học cho tử tế. Nghĩa là học cái gì cũng có ngọn ngành, có đầu đuôi, hiểu biết gì cũng nên hiểu cho tới nơi tới chốn. Nhân dịp ra mắt cuốn sách kỷ yếu Humboldt, tôi đã nói với anh Xuân Xanh, tôi tin là cội nguồn thật sự của đại học hiện đại chính là từ đây và chúng ta cũng nên phổ biến cho mọi người biết lịch sử cũng như lý thuyết về đại học là gì, vì đó là nền tảng cho tư duy đại học hiện đại mà hiện nay hàng triệu sinh viên chúng ta đang cần”.

Tên sách: Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam

Chủ biên: Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm

Khổ sách: 16x24 cm. Số trang: 820. Giá bìa: 165.000 VND

Phát hành: Tháng 3.2011. Sách được bán tại: Nhà xuất bản Tri thức, 53 Nguyễn Du, Hà Nội; hoặc đặt mua qua email: sales@nxbtrithuc.com.vn

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã đóng góp vào Kỷ yếu bài viết: “Lý tưởng giáo dục Humboldt: mô hình hay huyền thoại?” và đó cũng là đề tài sẽ được ông trình bày tại hội thảo.

Theo ông, lý tưởng giáo dục Humboldt dựa trên các cột trụ: sự tự trị của đại học trước các thế lực chính trị, kinh tế, xã hội, quyền tự do trong nghiên cứu và giảng dạy, hệ thống giáo dục phù hợp với đặc điểm của các lứa tuổi, yêu cầu giáo dục văn hóa tổng quát để xây dựng con người cá nhân tự chủ, và sau cùng, là việc học tập suốt đời. Các lý tưởng ấy quả đã trở thành hiện thực trong các quốc gia tiên tiến suốt hai thế kỷ nay. Nhưng phải chăng mô hình ấy đang lâm vào khủng hoảng và chỉ còn là những lời hứa hẹn đầu môi chót lưỡi như một “huyền thoại” trước sức ép của cao trào thương mại hóa và công cụ hóa giáo dục, cũng như trước sự phê phán của các trào lưu hậu - hiện đại? Khảo sát cuộc tranh luận chung quanh di sản Humboldt, ông đi đến nhận xét bất ngờ rằng: chính bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội tri thức ngày nay đang chứng tỏ sức sống và tính thời sự của lý tưởng giáo dục Humboldt,tất nhiên, với những điều chỉnh cần thiết. Ông kết luận: “Trước mọi sự xô bồ và khắc nghiệt của cuộc sống, nhà trường càng cần phải là cái đối ứng, thậm chí, cái đối cực để nuôi dưỡng lý tưởng,không để lý tưởng bị sa đọa và suy kiệt. Hãy để cho tuổi trẻ học được cách làm chủ bản thân mình và không bao giờ chịu làm nô lệ,kể cả làm nô lệ cho nghề nghiệp và cơm áo'”.

NGÂN HÀ

Nhân kỉ niệm 200 năm đại học Humboldt (1820 - 2010), ra mắt kỉ yếu Humboldt; kỉ niệm 85 năm ngày mất của nhà khai sáng Phan Châu Trinh, trong khuôn khổ các hoạt động xung quanh Lễ trao giải văn hoá Phan Châu Trinh được tổ chức vào 13g30 ngày 22.3.2011, quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, đại học KHXH&NV TP.HCM (10 Đinh Tiên Hoàng, Q.1) tổ chức buổi thuyết trình "Bàn về tinh thần đại học" (hội trường D) nhằm bàn lại tinh thần đáng có và cần có của đại học ngày nay.

(Báo Sài gòn tiếp thị : http://www.sgtt.com.vn/Khoa-giao/142010/Tu-coi-nguon-dai-hoc-den-tinh-than-dai-hoc-hien-dai.html)

22 Mar 2011

Video giới thiệu chương trình Cafe học thuật Nhân Văn



Giới thiệu thông tin về chương trình Cafe học thuật Nhân Văn. Tổng kết một chặng đường hoạt động.