3 Mar 2013

Thư mời cafe học thuật 8/3


Chương trình Café học thuật “Giới thiệu sách Văn hóa kiến trúc” do GS.TS – KTS Hoàng Đạo Kính trình bày.
Thời gian: 8h30 ngày 8/3/2013
Địa điểm: phòng D201, ĐH KHXH&NV, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM
Đăng kí tại đây

Giới thiệu:
GS. TS.KTS. HOÀNG ĐẠO KÍNH 
      GS.Hoàng đạo Kính được biết đến không chỉ là một kiến trúc sư hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc công trình, bảo tồn di sản mà còn là một nhà văn hóa lớn. Ông là kiến trúc sư hàng đầu của Việt Nam thành công trong việc đưa văn hóa vào kiến trúc và mang kiến trúc vào trong văn hóa. Năm 2012, GS. Hoàng Đạo Kính đã tập hợp 107 bài viết từ năm 1997 đến nay để in thành một cuốn sách dày gần 500 trang để bàn luận về các khía cạnh khác nhau của đô thị.
Những vấn đề của bảo tồn, con người, tổ chức không gian sống, văn hóa thị thành được ông trình bày giản dị và đậm chất văn chương. GS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941, là con trai của nhà văn hóa nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy. Ông được cử sang Liên Xô học từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông trở về Việt Nam và gắn bó với công việc bảo tồn, trùng tu các công trình, di tích kiến trúc cho đến nay. Ông gần như đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp bảo tồn di tích và được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh “hiệp sĩ” của những di tích kiến trúc.
Chân dung GS.TS.KTS  Hoàng Đạo Kính
Suốt 50 năm qua, KTS Hoàng Đạo Kính đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc như tháp Chăm, Chùa Cầu và nhà cổ ở Hội An, khu Đại Nội và Lăng Minh Mạng ở Huế, Nhà hát lớn ở Hà Nội, v.v… Đọc những gì ông viết, người ta sẽ thấy được niềm say mê, tình yêu sâu sắc với những di tích kiến trúc đã trở thành một phần lịch sử, văn hóa của dân tộc. “Văn hóa kiến trúc” là tác phẩm thứ ba của GS Hoàng Đạo Kính, sau “Di sản văn hóa, bảo tồn và trùng tu” và “Ngõ phố người đời”. 

Sách được chia thành bốn phần chính: Bảo tồn di sản văn hóa, Văn hóa kiến trúc, Đô thị phát triển tiếp nối, Nơi chốn – thời buổi – con người. KTS Nguyễn Luận đã nhận xét: “Nếu quyển đầu là “quyển nghề”, quyển thứ là “quyển văn”, thì quyển này là “quyển trí”. Anh đã khéo chọn các nhà xuất bản cho các đầu sách của mình. Hơn ngàn trang chữ đó chưa tải hết tri thức uyên thâm, tâm niệm cháy đượm và cảm nhận tinh nhã của con người Anh, một người được đào tạo bài bản và thành danh trong nghề, trong đời. Anh gọi Bộ Văn hóa – Thông tin là “ông từ” quốc gia. Tôi gọi Anh là “người giữ đền” của văn hóa kiến trúc trong đời.”

25 Dec 2012

Thư mời cafe học thuật 27/12

Café học thuật tháng 27/12 sẽ là chuyên đề “Giảng viên với sự nghiệp giáo dục Đại Học” với sự trình bày của TS.Bùi Trân Phượng , Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.

 Thời gian: 8h30- 11h00, ngày 27 tháng 12 năm 2012 (thứ 5)
 Địa điểm: Phòng D102, Trường ĐH KHXH&NV, cơ sở 1, 10-12 ĐInh Tiên Hoàng, Quận 1. Các ban đăng lý trực tuyến theo đường link tại đây


Đôi nét về TS.Bùi Trân Phượng :
 TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen
 TS.Bùi Trân Phượng du học Pháp từ năm 1968, tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa lịch sử Đại học Paris I năm 1972), Thạc sĩ lịch sử tại Đại học Paris VII năm 1994 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ lịch sử tại Đại học Lyon 2, Pháp năm 2008), đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen từ năm 1996 đến nay. ĐH Hoa Sen hiện đang hình thành một đội ngũ trí thức được đào tạo chính quy từ nhiều nước khác nhau (100% giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đều tốt nghiệp từ các ĐH quốc tế).
 "Nếu người ta biết cảm thụ cái đẹp, người ta sẽ nhận ra cái đẹp, sẽ sống tốt hơn. Học phát triển con người, theo tôi, mới là học " - TS Bùi Trân Phượng

8 Nov 2012

Thư mời cafe học thuật 15/11

Trân trọng kính mời các anh/chị sinh viên đến tham dự Cà phê học thuật nhân văn, chuyên đề “làm phim dân tộc học: nguồn tác giả, sự cộng tác và trách nhiệm khi thực hành làm "người trong cuộc"” do diễn giả, Anne Marie Carty, nhà làm phim Dân tộc học trình bày. 

 Thời gian: 8h00- 10h30, ngày 15 tháng 11 năm 2012 (thứ 5)
 Địa điểm: Phòng C103, Trường ĐH KHXH&NV, cơ sở 1, 10-12 ĐInh Tiên Hoàng, Quận 1.
 Các ban đăng lý trực tuyến theo đường link tại đây

Giới thiệu về diễn giả:  Anne Marie Karty
 Sau hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực truyền hình và phát triển phương pháp video tham dự trong các hoạt động phát triển cộng đồng nông thôn, tôi muốn có sự hiểu biết sâu hơn và kết nối thực hành làm phim tài liệu với vai trò của sự tham dự với nhau. Bà theo học chương trình thạc sĩ mới về Phim tài liệu Dân tộc học tại Trung tâm Granada Nhân học Hình ảnh ở Đại học Manchester với kết quả đầu ra là một tuyển tập phim Tir Cyffredin – Vùng đất chung.
Những phim đã làm trước đây bao gồm: 
 Một nghìn cái kim thêu – phim décor 2012 (Được chọn cho các liên hoan phim ở Anh mặc dù vẫn đang trong giai đoạn hậu kỳ!)
Thị trấn mới – Đại học Cao đẳng London, Trường Bartlett cho lính vực Kiến trúc và hoạch định xã hội 2002-2006
Dây buộc roi của người nông dân - Carlton TV 2000 Vương quốc của vàng, USA/Ghana 1999 Making the break - BAFTA, 1994
 Vượt qua phán xét (với Simon Atkins) 1992 Nyon International Film Festival
 Bạn cũng thế (Với Alan James) - Silver Hugo, Chicago International Film Festival 1992, Commendation, R.A.I. International Film Festival 1992

22 Oct 2012

Cafe học thuật Nhân Văn 25 tháng 10

Trân trọng kính mời các anh/chị sinh viên đến tham dự Cà phê học thuật nhân văn, chuyên đề “Các quy tắc của phương pháp xã hội học qua tác phẩm “Tự tử” của E.Dukheim” do diễn giả, ThS.Lê Minh Tiến, giảng viên Trường ĐH Mở TP.Hồ Chí Minh trình bày. 
 Thời gian: 8h30, ngày 25 tháng 10 năm 2012 (thứ 5)
 Địa điểm: Phòng họp A, nhà học TDTT đa năng, cơ sở Linh Trung, Trường ĐH KHXH&NV. Các bạn đăng ký tham gia chương trình tại đây 


Tóm tắt chuyên đề: 
Vào đầu tháng 3-2012 vừa qua, những người quan tâm đến lĩnh vực xã hội học tại Việt Nam ít nhiều đều vui mừng khi đón nhận bản dịch tiếng Việt tác phẩm "Các qui tắc của phương pháp xã hội học" của nhà xã hội học lừng danh người Pháp là Émile Durkheim (Đinh Hồng Phúc dịch, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành).
Tác phẩm "Các qui tắc…" là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của É. Durkheim nói riêng và của cả ngành xã hội học nói chung, bởi tác phẩm này là một trong những "hòn đá tảng" giúp xác lập xã hội học như một khoa học độc lập chứ không phải là một thành phần thuộc triết học xã hội như từng được quan niệm trước đó. Tầm quan trọng của tác phẩm này hệ tại ở việc qua đó, E.Durkheim xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học là các "sự kiện xã hội" (faits sociaux) cùng những đặc trưng của sự kiện xã hội. Đồng thời với việc xác định đối tượng của xã hội học là các sự kiện xã hội, Durkheim còn nêu ra các qui tắc của việc nghiên cứu các sự kiện xã hội gồm: định nghĩa, các qui tắc quan sát các sự kiện xã hội, phân loại, giải thích và trình bày luận cứ chứng minh. Sau khi tác phẩm "Các qui tắc…" ra đời được hai năm (xuất bản năm 1895), E.Durkheim cho công bố công trình nghiên cứu "Le Suicide. Une étude sociologique" (Tự tử. Một nghiên cứu xã hội học). Công trình này là một "minh họa" về việc ứng dụng các qui tắc của phương pháp nghiên cứu xã hội học do ông công bố trước đó. Để giúp sinh viên nắm được cách vận dụng lý thuyết và phương pháp xã hội học vào trong nghiên cứu thực nghiệm, chuyên đề Cà phê học thuật nhân văn ngày 25/10/2012 sẽ trình bày một cách tổng quát từng qui tắc được E.Durkheim áp dụng trong công trình "Tự tử" nhằm giúp sinh viên thấy rõ cách áp dụng qui tắc trong nghiên cứu của ông và hiểu rõ hơn về tác phẩm "Tự tử" vốn đã được nói đến nhiều trong các bài giảng xã hội học nhưng chưa sâu. BTC chương trình Cà phê học thuật nhân văn

3 Oct 2012

Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm



 “Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm

Cà phê học thuật nhân văn, chuyên đề “Điền dã khoa học – nhận diện và khảo sát tiêu điểm” – số chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại cơ sở Linh Trung, Trường ĐH KHXH&NV - vừa được diễn ra vào ngày 25/9/2012 tại Nhà học TDTT đa năng.
dienda
Báo cáo chuyên đề do diễn giả, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thơ-Phó Trưởng Khoa Văn hóa học – ĐH KHXH&NV trình bày. Trong chuyên đề giới thiệu đến các sinh viên, diễn giả đã khái quát những nội dung cơ bản về quá trình điền dã khoa học, trong đó có lựa chọn chủ đề, khoanh vùng nội dung, thiết kế công tác điền dã, sắp xếp tiêu điểm, tiếp cận thực địa và một số kinh nghiệm điền dã thực tế.
Để đạt được một kết quả khảo sát đáng mong đợi, theo TS. Nguyễn Ngọc Thơ, góc nhìn của người khảo sát là rất quan trọng. Xác lập một góc nhìn toàn phần, trong đó nhận diện các đặc điểm về lịch sử, địa lý, các yếu tố của nhân học văn hóa … được chứa đựng trong các hình thức, biểu hiện khác nhau của điều kiện, hoàn cảnh sống sẽ giúp người quan sát có thể nhận dạng, xác lập được các tiêu điểm, - những đặc điểm cơ bản phản ánh các giá trị văn hóa, cũng như những biến động, các nhân tố phái sinh qua tiến trình lịch sử.
Khảo sát tiêu điểm đòi hỏi sự dấn thân, khảo sát sâu hơn đối với đối tượng nghiên cứu. Không chỉ dừng lại ở các quan hệ xã hội, ở các mạng lưới thông tin, những biểu hiện đa dạng bề ngoài của lớp vỏ văn hóa, nhận diện tiêu điểm đòi hỏi sự khoanh vùng, quan sát theo chiều sâu về đối tượng, vào các hệ giá trị, các quan niệm sống, những đặc điểm tiêu biểu nhất mà chủ thể xác lập ở đối tượng nghiên cứu. Đứng trước một không gian văn hóa xác định- một khảo sát về đời sống tín ngưỡng của tộc người Bahnar ở Tây Nguyên, chúng ta sẽ xác lập tiêu điểm như thế nào? Liệu các chạm khắc sinh tồn được bố trí tại các khu nhà mồ, về tục lệ bỏ mả, hay những đặc điểm tương đồng - khác biệt về điêu khắc nhà mồ giữa tộc người Bahnar với tộc người Jrai sẽ giúp người nghiên cứu nhận thức chúng ra sao? Nhận diện tiêu điểm sẽ giúp người khảo sát tiếp cận định tính với phạm vi nghiên cứu khái quát, làm bộc lộ bản chất ở mức độ cao nhất.
Để thu nhận, xử lý các tư liệu gốc từ điền dã một cách tốt nhất, theo diễn giả, cùng với việc tái xây dựng thông tin và kết cấu văn hóa của chủ thể nghiên cứu, người khảo sát cần phải nhạy bén trong việc nắm bắt về các hoạt động văn hóa đang diễn ra và diễn giải chúng theo các cách thức khác nhau. Và để có được kết quả tốt nhất, trong nhiều trường hợp, người nghiên cứu cần phải “hóa thân” vào đời sống thực tế của cộng đồng, trở thành một thành viên có các phẩm chất mang đặc điểm chung của đời sống văn hóa của cư dân bản địa.
Trong chuyên đề này, TS. Nguyễn Ngọc Thơ cũng đã chia sẻ đến SV nhiều kinh nghiệm quý trong các chuyến điền dã ở các vùng miền khác nhau trong nước cũng như tại các nước  trong khu vực.


17 Sept 2012

Thư mời tham gia chương trình cà phê học thuật


Chương trình Café học thuật Nhân văn
Thân mời Quý anh/chị
Đến tham dự chương trình café học thuật với chủ đề "Điền dã khoa học - Nhận diện và khảo sát tiêu điểm"

10 Sept 2012

Phương pháp logic và Phương pháp lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội


Phương pháp logic và Phương pháp lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội
Đó là tiêu đề của chương trình Café Học thuật nhân văn diễn ra vào ngày 07/9/2012 tại phòng hội thảo D102, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với phần trình bày của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn.
 Với chủ đề “Phương pháp Logic và phương pháp lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội”, các học giả tham dự và sinh viên được gặp lại nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, một trong những diễn giả quen thuộc của chương trình Café học thuật nhân văn với các chủ đề như: Cá nhân và cộng đồng, Hãy dám biết và Dạy và học triết trong bối cảnh hậu hiện đại.
Sau phần giới thiệu diễn giả của chương trình, TS. Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Trung tâm TVHN&PTNNL rất vui mừng và ngạc nhiên vì số lượng các học giả, giảng viên và các bạn sinh viên tham dự chật kín phòng hội thảo D102 với một chủ đề nghiên cứu về triết học. Điều đó cho thấy sự quan tâm ủng hộ với các chương trình học thuật của Trung tâm nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung trong nhà trường.
Nhà nghiên cứu: Bùi Văn Nam Sơn (thầy ngồi giữa) trong phần trình bày

Với chủ đề của chương trình, xoay quanh các tác phẩm “Bách khoa toàn thư các khoa học Triết học 1 – Khoa học Lôgíc (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Các nguyên lý của triết học pháp quyền (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), tập II của tuyển tập Các Mác, Phri-đrích Ăng-ghen, G.W.E. Hegel Wissenschaft der logik: die lehre vom Begriff 1816,  nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã dẫn dắt người nghe qua các quan điểm của các triết gia nổi tiếng Engels, Hegel, Marx: “nghiên cứu thực chất là tháo rời sự vật ra, tách chúng khỏi tổng thể, tức là quá trình trừu tượng hoá”, “khoa học là quá trình của nghiên cứu chờ đợi được trình bày” (Marx) với diễn giải “khi tháo rời sự vật phải thấy được sự mâu thuẫn trong nội tại của nó, và cái hay của các nhà nghiên cứu là thấy được mâu thuẫn tưởng chừng như đơn giản của sự vật. Và từ một phạm trù đơn giản -> xuất hiện mâu thuẫn -> đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn-> đưa đến một phạm trù mới ở mức cao hơn”, nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ: nhìn hàng hoá, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến nó đắt hay rẻ, tốt hay không, còn các triết gia lại nhìn thấy hàng hoá là giá trị trao đổi, là sức lao động bên trong nó,…
 
Kết luận trong phần trình bày của mình, diễn giả Bùi Văn Nam Sơn nhấn mạnh “hãy đối xử với Marx, Hegel và Engels như những nhà khoa học”, để có cái nhìn khách quan về triết lý và quan niệm của các ông.
từ phải qua : TS. Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng, TS. Trần Kỳ Đồng, gv khoa Triết học và các sinh viên
Phát biểu sau phần trình bày của diễn giả, TS. Lê Hữu Phước cám ơn nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn: “một phần trình bày hết sức thú vị và hữu ích về khoa học triết học đã thu hút sự quan tâm và kiên trì đến hết buổi của các giảng viên và sinh viên cùa trường, những nội dung trao đổi của thầy đã giúp chúng ta chạm đến một chìa khoá, và đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, nghiên cứu khoa học sâu hơn để hiểu rõ về nó”.
TS. Nguyễn Đức Lộc (bên trái) tặng hoa cảm ơn nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn
Các giảng viên, sinh viên tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn
Tin, ảnh: HP
(Trích nguồn: Trường Đại học KHXH&NV TPHCM )

22 Aug 2012

Thư mời Chương trình Café học thuật Nhân văn





Thư mời
Chương trình Café học thuật Nhân văn
Thân gửi quí anh/ chị!
Nhằm giúp các anh chị và các bạn đã và đang quan tâm đến nghiên cứu khoa học xã hội, Trung tâm trận trọng kính mời Quý anh/chị đến tham dự chương trình Café học thuật với chủ đề:Phương pháp logic và phương pháp lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội”

Thời gian: 8h30 ngày 07/9 (thứ sáu)
Địa điểm: phòng A001, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng Quận 1
Diễn giả: Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn

Vui lòng xác nhận đăng ký tham gia chương trình 


27 Jul 2012

Kỷ niệm 2 năm chương trình Café học thuật - "Chặng đường hai năm tiếp lửa cho tinh thần đại học"

Sáng ngày 26/07/2012, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức chuyên đề kỷ niệm hai năm chương trình Café học thuật tại phòng D201. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các diễn giả từng cộng tác với chương trình và các bạn sinh viên. hinh_1
Hình 1. Nhiều diễn giả từng cộng tác với chương trình đã đến tham dự chuyên đề kỷ niệm 2 năm
TS. Nguyễn Đức Lộc, trưởng ban chủ nhiệm chương trình đề nghị các vị diễn giả cùng sinh viên đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình ngày càng tốt hơn và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tham gia. Hầu như tất cả những diễn giả và sinh viên có mặt đều đóng góp ý kiến, đề xuất những phương pháp cải cách về hình thức, nội dung, đối tượng tham gia, v.v… một cách chân thành và nhiệt tâm giúp. Nhờ đó những người làm chương trình đã rút kinh nghiệm về nhiều vấn đề. Trong tương lai, ban chủ nhiệm chương trình hy vọng sẽ có được hướng đi tích cực cho Café học thuật, thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia hơn.
hinh_5
Hinh2. Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn "Nên hoạch định chương trình dài hạn để chủ động hơn"
hinh_3
Hình 3. TS. Dương Ngọc Dũng "Nên mở rộng khách mời diễn thuyết"
hinh_4
Hình 4. ThS. Đinh Hồng Phúc "Nên kiến tạo không gian chương trình dài hạn để chủ động hơn"
hinh_6
Hình 5. Sinh viên đóng góp cho chương trình
hinh_2
Hình 6. Diễn giả và sinh viên chụp hình lưu niệm

20 Jul 2012

CAFÉ HỌC THUẬT NHÂN VĂN – CHẶNG ĐƯỜNG HAI NĂM TIẾP LỬA CHO TINH THẦN ĐẠI HỌC CHÂN CHÍNH


Tìm hiểu khoa học là một việc không dễ dàng, nhưng đó là đam mê và trách nhiệm của những người đã dấn thân vào con đường khoa học.
Tuy vậy, trong một nền giáo dục mang nặng tính truyền thụ một chiều như Việt Nam cùng với trào lưu thương mại hóa giáo dục như hiện nay thì thật khó để “giữ lửa” cho những người mới chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường gian khổ ấy. Không ít nhà khoa học và nhà giáo tâm huyết đã cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này. Kết quả là nhiều giải pháp ra đời đã truyền chút lửa và hơi ấm cho tinh thần đam mê khoa học. Chương trình Café Học thuật Nhân văn ra đời cách đây hai năm là một trong những giải pháp ấy.


Chặng đường tiếp sức cho tinh thần khoa học

Café Học thuật Nhân văn là một chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận, từ tháng 6/2010 đến nay, chương trình đã thực hiện được 40 buổi tọa đàm với các lĩnh vực lịch sử, nhân học, xã hội học, triết học, đô thị học, dịch thuật, những buổi giới thiệu sách và những buổi trò chuyện hướng nghiệp. Chương trình xác định mục tiêu “góp lửa” cho tinh thần nghiên cứu khoa học chân chính và đã phần nào thực hiện được mục tiêu đó, nhất là trong giới sinh viên khoa học xã hội. Chương trình đã giúp sinh viên tiếp cận những chủ đề hàn lâm và “khó nhằn” như: Triết học hậu hiện đại; Tiếp cận truyền thống từ viễn tượng Thông diễn học; Về các khái niệm của Roland Barthes; Vốn xã hội – tác động và phát triển; Cá nhân và cộng đồng, v.v… bằng cách thức giản dị là tạo một không gian cởi mở để những người có cùng đam mê học thuật ngồi café, trò chuyện thân mật bên nhau. Nhờ đó, nghiên cứu không còn là nhiệm vụ nặng nề mà là niềm vui cho các bạn sinh viên. Một không gian học thuật cởi mở như vậy còn tạo điều kiện cho sinh viên nói lên chính kiến của mình với tinh thần “tự do học thuật”, dám phát biểu những ý kiến đối lập, và rèn luyện khả năng tư duy khác biệt chứ không chỉ “thầy nói trò nghe”. Bên cạnh đó, sinh viên còn tiếp thu được thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu ngoài lớp học.


Chương trình đã nhận được sự cộng tác và giúp đỡ to lớn của các học giả trong, ngoài nước. Có những chuyên đề chỉ giới hạn trong khuôn viên nhỏ với vài chục người tham gia, nhưng cũng có chuyên đề quy mô lớn thu hút được hàng trăm bạn trẻ yêu khoa học. Đơn cử như buổi tọa đàm “Bàn về tinh thần đại học” thu hút được gần 500 sinh viên của các trường đại học tham gia. Trong chương trình này, TSKH. Nguyễn Xuân Xanh đã phát biểu về mục tiêu đại học như sau: “Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa... Mục tiêu của đại học là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức hơn là lý do từ kinh tế”. Đó cũng là tinh thần học thuật chân chính mà những người làm chương trình muốn hướng đến.

Vững bước trên con đường đã chọn

Thời gian sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục hoạch định những chủ đề và tìm kiếm những diễn giả phù hợp. Trong tương lai gần sẽ là chuỗi các buổi tọa đàm về phương pháp nghiên cứu khoa học, tiếp đó là các buổi về lý thuyết khoa học xã hội. Những người làm chương trình hi vọng sẽ xây dựng chương trình ngày càng chuyên nghiệp và có hệ thống hơn. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, những người tổ chức còn mong muốn xây dựng một Tủ sách Café Học thuật với những tài liệu và bài viết do các diễn giả đóng góp. Trong khuôn khổ tủ sách, nhóm làm chương trình cũng đang thực hiện Bút ký Café Học thuật, ghi chép lại và biên soạn những bài nói chuyện, phân loại theo từng chủ đề và in thành sách. Những quyển sách này sẽ được góp vào Tủ sách Café Học thuật để những ai không có điều kiện tham gia chương trình có thể tham khảo, ngoài ra nguồn sách này sẽ được bán trong chương trình sách trợ giá cho sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.


Hai năm là một chặng đường không dài, nhưng nó cũng đã minh chứng được cho nỗ lực không ngừng của những người thực hiện chương trình, dù đôi lúc không tránh khỏi những khó khăn, vấp váp, nhưng chương trình luôn giữ vững tiêu chí tiếp sức cho một tinh thần học tập chân chính, như phát biểu của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi “bàn về tinh thần đại học” Humboldt: “Trước mọi sự xô bồ và khắc nghiệt của cuộc sống, nhà trường càng cần phải là cái đối ứng, thậm chí, cái đối cực để nuôi dưỡng lý tưởng, không để lý tưởng bị sa đọa và suy kiệt. Nói ngắn, tuổi hoa niên và những tháng ngày được cấp sách đến trường là món quà quý báu và đẹp đẽ nhất của một đời người: hãy để cho tuổi trẻ học được cách làm chủ bản thân mình và không bao giờ chịu làm nô lệ, kể cả làm nô lệ cho nghề nghiệp và cơm áo'.

Ban chủ nhiệm chương trình Café học thuật Nhân văn