25 Nov 2010

Khoa học luận, tại sao?

Đây là tài liệu liên quan đến bài nói chuyện của dịch giả Hà Dương Tuấn gửi đến chương trình "Café Học thuật Nhân văn" trong khuôn khổ chuyên đề "Lịch sử khoa học và khoa học luận". Mời quý bạn cùng đọc tham khảo.


Tóm lược
Hiển nhiên là khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng và đời sống con người. Thế nhưng đã từ lâu có sự rạn nứt giữa "văn hóa khoa học" và "văn hóa nhân văn". Điều này còn trầm trọng hơn trong các nước đang phát triển, chưa có một truyền thống khoa học vững chãi. Bài viết này đề nghị giảng dạy bộ môn khoa học luận trong các năm đầu của đại học, cả trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật lẫn trong các ngành nhân văn và xã hội, với hy vọng có thể góp phần, dù nhỏ bé, để bắc một cây cầu vượt qua "hố sâu giữa hai nền văn hoá". Nhìn cụ thể hơn, tuy rằng không thể hiểu sâu về khoa học nếu không thực sự lao động khoa học, có thể hy vọng bộ môn khoa học luận vừa chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động của các nhà khoa học tương lai vừa đem lại nhiều cảm hứng cho tư duy về xã hội và nhân văn của mọi người. Bộ môn Khoa học luận ở đây chủ yếu phải là lịch sử khoa học và kỹ thuật ; trên cơ sở đó, và song song với nó, người ta có thể tiếp cận những cái nhìn khác nhau về khoa học của các khoa học gia và triết gia lớn.
Abstract
There is no doubt that science and technology have an important impact on the way man lives and thinks. Yet there is a long-standing gap between "scientific culture" and "humanistic culture", which is even larger in developing countries, where there is no established scientific tradition. This short essay suggests that philosophy of science be taught to undergraduates, both in humanities and science and technology classes, in the hope of contributing, however slightly, to bridging the "cultural gap". From a more practical viewpoint, even though one cannot truly understand science without actually doing scientific work, hopefully philosophy of science could better prepare future scientists for their careers and enhance everyone's perceptions of humanistic and social issues. The philosophy of science curriculum should consist mainly of history of science and technology, which would provide a basis and a parallel approach to different views on science from great scientists and philosophers.  
 
Khoa học luận
Ở đây xin phân biệt khoa học luận với nhận thức luận. Nhận thức luận là một bộ phận nền tảng của triết học, nhằm khảo sát và tư duy tổng hợp về quá trình nhận thức của con người nói chung, trong đó khoa học là một thành phần. Trong quá khứ sự phân biệt này không hẳn rạch ròi, điều mà ta còn thấy qua ngôn ngữ: Trong tiếng Pháp, Epistémologie được hiểu là khoa học luận, còn nhận thức luận là Philosophie de la connaissance. Trong tiếng Anh thì Epistemology lại là nhận thức luận, và khoa học luận là Philosophy of science. Epistemology gồm hai gốc Hy Lạp Epistémè, dịch là hiểu biết hay là khoa học đều được, vì thời ấy không có phân biệt; và Logos, nghĩa rất rộng, có thể dịch là ngôn từ hay tư duy, ở đây cụ thể hơn là một môn học, một luận thuyết.
Khoa học luận gồm những tư duy về hoạt động khoa học, nó dần dần hình thành trong suốt thế kỷ 18, sau khi Vật lý học của Newton đã được chấp nhận rộng rãi, đồng thời Toán học, Hoá học, đã phát triển đến một trình độ độc lập với những giả định có tính siêu hình, và hình thành một lớp người được xác định qua hoạt động của họ: các nhà khoa học. Trước đó các nhà khoa học thường tự coi mình như những nhà triết học của tự nhiên. Chẳng hạn tác phẩm nền tảng của cơ học Newton, xuất bản năm 1687, vẫn có tên "Nguyên lý toán học trong Triết lý của tự nhiên"... như vậy cũng có nghĩa họ vừa làm khoa học, vừa làm khoa học luận, không phân biệt rành mạch. Các nhà khoa học luận hiện nay vẫn chỉ phát triển tư duy của mình về khoa học thực nghiệm là chính: vật lý học, hoá học, và gần ta hơn, cộng thêm sinh học. Toán học và luận lý học thì đã được coi như những công cụ tư duy, không có tính thực nghiệm[1]. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung không được các nhà khoa học luận đề cập đến kỹ lưỡng, có lẽ vì độ phức tạp của chúng quá lớn, thêm nữa chúng chỉ dựa trên quan sát và tư biện, không dựa trên thực nghiệm.
Do việc có hay không có thực nghiệm làm trọng tài cuối cùng mà một đằng đi đến được (hoặc tin tưởng sẽ đi đến được, trên các vấn đề còn mở) đồng thuận và thống nhất trên các kết quả cụ thể, phương pháp, và lý thuyết; một đằng thì, tuy có tính nghiêm túc và chặt chẽ trong phương pháp nghiên cứu, vẫn hình thành các trường phái với những giả định triết học khác nhau và những kết luận khác nhau trên cùng một số vấn đề. Trong nghĩa đó, bản thân khoa học luận cũng không phải là một khoa học chính xác, tuy rằng nó có một phần tương đối khách quan, đó là lịch sử phát triển khoa học, dựa trên đó những trường phái tư tưởng có thể có những giải thích và suy diễn khác nhau, tuỳ theo quan điểm về nhận thức luận.
Nói cách khác, có thể coi bộ môn khoa học luận vừa như một bộ phận của khoa học xã hội, vừa như một một bộ phận của triết học. Cũng chính vì thế, ít ra ở mức độ một giáo trình văn hoá cơ bản cho người có học trong thời đại ngày nay, hạt nhân – chính yếu và vững chắc, được đồng thuận cao – của khoa học luận phải là lịch sử khoa học, bao gồm sự xuất hiện của những lý thuyết, khái niệm, và những quy luật khoa học cơ bản, cùng ảnh hưởng qua lại của chúng với kỹ thuật, công nghệ, và khung cảnh tinh thần cũng như vật chất của xã hội. Nằm bên trong lịch sử (tương đối) khách quan này là sự biến chuyển của các lý thuyết và phương pháp luận khoa học[2], mà sự trình bày không thể tách rời khỏi thành phần thứ ba của khoa học luận, là những lập trường tiên thiên về nhận thức luận, về câu hỏi thế nào là sự hiểu biết vững chắc về tự nhiên; chính vì phương pháp luận khoa học là con đường tìm đến những hiểu biết đó. Vấn đề không phải là chọn lựa một quan điểm nhất định nào một cách giáo điều, thí dụ các học thuyết thời thượng của Karl Popper, hay của Thomas Kuhn, hay của một trong nhiều nhà khoa học luận quan trọng khác..., mà là giới thiệu các quan điểm khác nhau, mời gọi sự suy nghĩ riêng của mỗi người qua trình bày và thảo luận.
Khoa học và khoa học luận cổ điển
Có thể nói khoa học cổ điển[3] ra đời với những bác học nổi bật của thế kỷ 17 như Gallileo Gallilei (1564-1642), René Descartes (1596-1650), Gottfried Leibniz (1646-1716) và nhất là Isaac Newton (1642-1727)... trong đó Descartes và Leibniz còn là những triết gia về nhận thức luận. Nhưng người đặt ra vấn đề có thể nói cơ bản nhất của khoa học luận, ngày nay được gọi là vấn đề quy nạp, là David Hume (1711-1776), năm 1739, trong tác phẩm Luận về bản chất con người (traité de la nature humaine), ông hoài nghi về tính chân lý tuyệt đối của các quy luật vật lý: đó chỉ là sự quy nạp từ những nhận thức trong quá khứ rồi tổng quát hoá thành quy luật, thí dụ như quy luật mặt trời mọc mỗi buổi sáng, không có gì bảo đảm một cách tuyệt đối là ngày mai điều ấy sẽ tiếp tục như thế. Các quy luật khoa học chỉ có tính kinh nghiệm mà thôi. Vào lúc cơ học của Newton đang ở đỉnh cao, khi nhiều người cho rằng các quy luật cơ học là tuyệt đối chắc chắn, luận đề hoài nghi triết học độc sáng và không thể chối cãi này đã "đánh thức tôi tỉnh giấc ngủ giáo điều", theo lời của Imanuel Kant (1724-1804).
Chấp nhận hay không chấp nhận tính bất khả tri của Hume ? Và nếu không chấp nhận thì cứu vãn sự xác tín khoa học như thế nào, có thể có một lập trường dung hoà hay không ? Có thể bỏ qua câu hỏi này để suy tư về những vấn đề khác có ích hơn hay không ?
Có lẽ đây là những câu hỏi cho phép phân biệt và bước đầu tiếp cận những chủ thuyết của các nhà khoa học luận / nhận thức luận trong hai thế kỷ 18 và 19. Ở đây không thể phát triển dù ngắn gọn, chỉ có thể phác hoạ rất thô thiển về một vài nhà khoa học luận như sau:
Descartes và Liebniz là những người duy lý siêu hình (rationalisme métaphysique), tuy rằng nền tảng siêu hình của hai ông hoàn toàn khác nhau. Họ đều tin tưởng rằng có thể xây dựng triết học và khoa học trên những nền tảng siêu hình đó. Và như thế không có chỗ cho sự hoài nghi của Hume. Sự hoài nghi về những tiên thiên duy lý này đưa những người theo chủ nghĩa duy nghiệm (empirisme, tên gọi mà Kant dùng cho lập trường của Hume) đến việc tôn trọng kinh nghiệm đời thường hơn là lý thuyết.
Kant khẳng định khoa học thường nghiệm là có thể, đồng thời bác bỏ sự xây dựng khoa học trên nền tảng siêu hình. Để làm được việc ấy là quyển I của công trình đồ sộ "phê phán lý tính thuần tuý[4]", mà hệ thống khái niệm có ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến nay. Sự cứu vãn xác tín khoa học của Kant dựa trên cái giá phải trả (mà bây giờ vẫn còn thời sự) là chấp nhận tính bất khả tri của bản thể, cùng lúc với việc loại bỏ những xác tín siêu hình ra khỏi khoa học. Khoa học chỉ bàn về những hiện tượng mà thôi, và trong giới hạn đó ông không chia sẻ sự hoài nghi của Hume, mà cho rằng con người có những phán đoán tổng hợp (tiên thiên) về thế giới hiện tượng, như không gian và thời gian...
Auguste Comte (1798-1857) thường được gọi là nhà khai sinh cho thuyết thực chứng (positivisme). Với ông, tinh thần khoa học đồng nghĩa với tinh thần thực chứng. Comte đề cao hiện thực, nhưng khác với những người duy nghiệm, hiện thực của Comte không phải là những dữ kiện đầu tiên đến từ giác quan, mà là một hiện thực được tổ chức bằng lý trí. Đó là việc Comte đã thực hiện trong tác phấm bách khoa Giáo trình triết học thực chứng ( Cours de philosophie positive) viết từ 1830 đến 1842, trong đó các hiểu biết khoa học được sắp xếp thành 6 ngành: Toán, thiên văn, vật lý, hoá học, sinh học, xã hội học. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của Comte trong giáo dục khoa học suốt từ thời đó cho đến nay. Và tư tưởng thực chứng vẫn nằm trong đại đa số các nhà khoa học cũng như khoa học luận hiện đại, dù với những sắc thái tinh tế khác nhau, và nói chung họ không còn giữ niềm tin duy khoa học của Comte.
Ernst Mach (1838-1916) là một nhà vật lý học, chuyển sang triết học theo nghĩa phê phán tinh thần và hoạt động khoa học. Câu của Mach "nhà bác học phải sử dụng những khái niệm đơn giản nhất để đạt kết quả và loại bỏ mọi thứ mà giác quan không cảm nhận được" tượng trưng cho cả phần nên cộng và phần nên trừ của ông: Mệnh đề đầu rất sâu sắc và được Einstein nhắc lại nhiều lần, cũng như từ nguyên tắc đó mà những phê phán cơ học Newton của ông đã giúp vào tư duy của Einstein trong thuyết tương đối. Mệnh đề thứ nhì lại quá duy nghiệm, nó khiến ông gạt bỏ thuyết nguyên tử, vì thời ấy không có thí nghiệm nào cho thấy sự hiện diện của nguyên tử, dù gián tiếp hay trực tiếp, mặc dù người ta đã khám phá nhiều hiện tượng hoá học không thể giải thích nếu không dùng đến khái niệm nguyên tử[5].
Khoa học và khoa học luận hiện đại
Vào giai đoạn cuối của nền khoa học cổ điển, những bước tiến của cơ học, nhiệt động học, hoá học, điện từ học, quang học, toán học... khiến cho các ngành này giao thoa với nhau và đặt ra nhiều vấn đề mới. Ngoài vấn đề bức xạ của vật đen và thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng của Michelson và Morley, có quan hệ trực tiếp với thuyết lượng tử và thuyết tương đối, có thể liệt kê vài thí dụ nổi bật:
·        Phương trình của James Maxwell (1831-1878) năm 1861 đã thống nhất quang học và điện từ học.
·        Cơ học xác suất của Ludwig Boltzmann (1844-1906) giải thích được nguyên lý thứ hai của nhiệt động học.
·        Sự thắng thế dần của thuyết nguyên tử với John Dalton (1766-1844), quan sát thấy trong các phản ứng hoá học các thành phần chỉ tham gia theo những tỷ lệ nhất định; và với bảng tuần hoàn của Dimitri Mendeliev (1847-1907).
·        Đồng thời sự phát triển toán học đặt ra yêu cầu củng cố nền tảng lý luận, thúc đẩy luận lý học hình thức phát triển vượt bực.
Ngoài ra, ngành sinh học cũng trải qua một cuộc cách mạng: Thuyết tiến hoá khởi đầu với Jean Baptiste Lamark (1744-1829). Năm 1809 trong tác phẩm "triết học động vật" (philosophie zoologique) ông đặt ra giả thuyết động vật biến chuyển từ loài nọ sang loài kia, tuy nhiên giải thích của ông về sự di truyền của các đặc tính mà sinh vật đạt được qua tự thích ứng với môi trường là không đúng. 50 năm sau, Charles Darwin (1809-1882), trong tác phẩm "Về nguồn gốc các loài qua tuyển chọn tự nhiên" (On the Origin of Species By Means of Natural Selection - 1859) đưa ra giả thuyết tiến hoá tổng quát hoàn chỉnh và thuyết phục hơn, tuy ông cũng không nói gì về khả năng di truyền. Johann Gregor Mendel (1822-1884) đã khám phá những quy luật di truyền, công bố năm 1865, nhưng công trình của ông bị lãng quên, phải đợi đến những năm 20 của thế kỷ 20 thuyết tiến hoá của Darwin mới được bổ túc bằng đột biến ngẫu nhiên trong di truyền, thành thuyết tiến hoá "tân Darwin" được đồng thuận tuyệt đối trong các nhà khoa học, được giảng dạy (và vẫn được nghiên cứu phát triển thêm) ngày nay. Trong thế kỷ 20 sẽ xẩy ra một cuộc cách mạng sinh học vĩ đại nữa: việc khám phá phân tử ADN, nơi ghi lại các thông tin di truyền. Đó là kết quả của một chuỗi dài các thành quả cục bộ, với ba người đột phá cuối cùng là Rosalind Franklin, James Watson và Francis Crick, năm 1953. Khoa học của thế kỷ 20 bắt đầu với báo cáo của Planck ngày 14-12-1900 tại Hàn Lâm Viện Bá-Linh về tính không liên tục của năng lượng phát ra từ vật đen, mở đầu cho thời đại của cơ học lượng tử; rồi đến những công bố của Einstein: giả thuyết ánh sáng là lượng tử, và thuyết tương đối hẹp năm 1905, thuyết tương đối mở rộng năm 1914; hai lý thuyết này đã mở đầu một kỷ nguyên mới về nhận thức của con người về tự nhiên. Hiển nhiên là khoa học luận từ đó đã đổi mới sâu sắc. Nhưng có lẽ cũng cần nhấn mạnh là điều ấy không phải chỉ vì những kết quả mới đó của khoa học, mà còn vì quá trình chín muồi của nó trong thế kỷ 19.
Nhóm Vienne, gồm nhiều nhà khoa học và nhất là khoa học luận sinh hoạt như một câu lạc bộ từ khoảng 1924 đến trước đệ nhị thế chiến, khi họ vì lánh nạn Đức Quốc Xã nên phân tán đến Anh Quốc và Hoa Kỳ; nhiều người trở nên có ảnh hưởng lớn về khoa học và khoa học luận Hoa Kỳ, trong đó nổi tiếng nhất là Godel, Carnap và Quine. Nhóm này chịu tác động mạnh từ luận lý học hình thức, đồng thời có những đóng góp sâu sắc cho nó, khoa học luận của họ phát triển chủ nghĩa thực chứng bằng cách đào sâu vào tính lôgic của ngôn ngữ khoa học, được gọi là trường phái thực chứng luận lý[6] (positivisme logic).
Popper (1902-1994) cũng sinh hoạt tại Vienne thời ấy (sau ông sống ở Anh Quốc) nhưng có tiếp cận khoa học luận khác với nhóm Vienne. Popper có ấn tượng mạnh về quá trình Einstein sáng tạo thuyết tương đối và những cố gắng của các nhà vật lý học đương thời để tìm cách kiểm nghiệm nó. Do đó ông không đi tìm những tính chất cơ bản của khoa học trong ngôn ngữ của nó như những người thực chứng luận lý, mà trong sự so sánh giữa lý thuyết với thực nghiệm. Ông vạch ra lằn ranh giới nổi tiếng giữa khoa học và phi khoa học: một lý thuyết chỉ được gọi là khoa học khi nó có khả năng tiên đoán và xác định những hiện tượng mới, do đó có tiềm năng có thể bị thực tế thí nghiệm hay quan sát cho thấy tiên đoán đó sai[7]. Từ đó một lý thuyết mới ra đời, và đó là động cơ của tiến bộ khoa học.
Popper đã nêu ra được rõ rệt một tiêu chuẩn dễ hiểu cho một lý thuyết khoa học tự nhiên, và dù sao nói ra những điều hiển nhiên thì hơn là không nói ra. Lý thuyết khoa học nào chẳng phải là một lý thuyết cho phép tiên đoán những hiện tượng thực nghiệm mới ? và nếu B là hậu quả lôgích của lý thuyết A thì việc B sai dĩ nhiên dẫn đến kết luận (cũng lôgích) là lý thuyết A "có vấn đề". Nhưng đó chỉ là bước đầu, chính khi phân tích sâu hơn điều bất thường mới và rất quý giá này, người ta mới cần đến những hướng dẫn phương pháp luận: làm sao khẳng định hiện tượng B là hậu quả của lý thuyết A ? khi mà đo đạc các tham số của một hiện tượng là đã sử dụng ngầm khá nhiều lý thuyết khác nhau rồi ! thêm nữa, lý thuyết A là một tập hợp rộng lớn những mệnh đề và quy luật {ai}, vậy vấn đề của nó ở đâu ?
Imre Lakatos (1922-1974), một học trò của Popper, vừa phê phán vừa hoàn thiện Popper bằng cách đưa ra khái niệm "Chương trình nghiên cứu" (Programme de recherche), qua đó ông phân biệt, theo đồng thuận của các nhà khoa học trong một tình trạng nghiên cứu nhất định, những mệnh đề và quy luật "chắc chắn" với những mệnh đề và quy luật "mềm" hơn... tập hợp thứ hai này là điều có thế được thay đổi để tiến bộ.
Paul Feyerabend (1924-1994), một học trò khác của Popper, thì tuyên bố thẳng thừng trong tác phẩm "Chống phương pháp" (Against methods) sự phá sản của mọi cố gắng đi tìm "phương pháp luận" cho sự khám phá khoa học. Qua lịch sử khoa học, ông chứng minh thường những khám phá hay sáng tạo lớn đều vượt ra ngoài phương pháp luận khoa học đương thời, từ đó viết: làm gì cũng tốt ! (anything goes !)
Kuhn (1922-1996) là nhà khoa học luận thời thượng nhất hiện nay, và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Cơ cấu của các cuộc cách mạng khoa học" (The structure of scientific revolutions), trong đó khái niệm then chốt là khái niệm paradigma[8], và chuyển dịch paradigma, (paradigm shift) bây giờ được dùng khắp nơi, tưởng chẳng cần dài dòng thêm. Thành công của quan điểm của Kuhn chứng tỏ chúng có giá trị cao. Tuy nhiên, Kuhn khá mơ hồ về việc tại sao một paradigma mới lại được tập thể các nhà khoa học trong một ngành lựa chọn, điều này đưa đến cảm tưởng là điều ấy phụ thuộc nhiều vào chủ quan tâm lý, và có tính xã hội, như thế tính khách quan khoa học hoá ra là tương đối.
Những nhà khoa học luận kể trên đều thuộc khối sử dụng tiếng Anh, và đều được biết trên khắp thế giới. Điều này có lẽ không phải chỉ vì giá trị tự tại trong các tác phẩm của họ, sự vượt trội về khoa học, kỹ thuật và kinh tế, của Hoa Kỳ sau chiến tranh thứ hai có lẽ đã làm lu mờ một cách đáng tiếc nền khoa học luận của "châu Âu già nua", trong đó phải kể đến hai người Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980), Ferdinand Gonseth (1890-1975)... và nhà nghiên cứu sử khoa học và khoa học luận Pháp Gaston Bachelard (1884-1962). Có lẽ những cách tiếp cận cũng như những phát kiến của khối khoa học luận ngôn ngữ Pháp này có thể bổ sung nhiều cho những luận thuyết Áo-Anh-Mỹ nói trên. Có thể nêu một thí dụ: Trong khi cách tiếp cận của các tác giả Áo-Anh-Mỹ là cách tiếp cận ảnh hưởng bởi luận lý hình thức, đặt nặng trên tính cách đồng đại và cấu trúc, thì cách tiếp cận của Bachelard là biện chứng[9], đặt nặng trên tính lịch đại. Trước Kuhn khá lâu Bachelard đã đề ra khái niệm gián đoạn nhận thức (rupture épistémologique) tương tự như sự chuyển dịch paradigma nhưng có lẽ còn hoàn chỉnh hơn, vì ông quan niệm sự gián đoạn nhận thức như một vận động biện chứng của nhận thức, nhận thức mới vừa phủ định vừa bao gồm[10] nhận thức cũ.
Biện minh cho việc giảng dạy khoa học luận
Trên đây chúng tôi đã phác hoạ rất sơ sài, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, nội dung tổng quát của bộ môn khoa học luận, dựa trên lịch sử khoa học làm nền tảng, trên đó các nhà khoa học luận đã xây dựng những lý thuyết khoa học luận đặc thù của mỗi người; và qua đó chúng ta cũng có thể thấy mối liên hệ hữu cơ giữa sự phát triển khoa học và sự phát triển của tư duy về khoa học. Đến đây xin biện minh rõ hơn cho đề nghị giảng dạy khoa học luận tại những năm đầu của đại học, cho sinh viên của tất cả các ngành học.
Nhưng trước hết xin tự đưa câu hỏi phản biện: khoa học luận có thực sự cần thiết không ? tại sao trong nội dung của khoa học không có một mệnh đề nào của khoa học luận cả; và, nếu như chính nhà khoa học luận Feyerabend đã nói " làm gì cũng tốt !"[11], thì cứ để các sinh viên khoa học học kỹ về ngành của họ và tự do sáng tạo, chẳng đỡ mất thì giờ hơn sao ?
Không sai ! và cả thế giới đã làm như vậy cho đến cách đây trên dưới chục năm, bộ môn khoa học luận chỉ là một phần nhỏ được giảng dạy trong khoa triết. Trên cả thế giới người ta vẫn chỉ dạy và học những thành quả của khoa học, dạy cái đúng, chứ không dạy cách làm thế nào để tìm ra cái đúng, và nhất là làm gì để tìm ra những cái đúng cần thiết. Sự truyền bá về cách tư duy, về phương pháp, và về tay nghề này hình như chỉ được làm một cách gián tiếp, qua kinh nghiệm của thầy, qua môi trường sống và làm việc... theo đúng câu châm ngôn Pháp “ cứ rèn đi thì sẽ thành thợ rèn ”. Phương thức giáo dục này cho đến nay vẫn tỏ ra hiệu quả, ít nhất trong những bộ môn trừu tượng ít gắn liền với thực tế: “ cứ làm toán đi thì sẽ giỏi toán ” vẫn đúng với những người có khiếu. Về vật lý lý thuyết cũng vậy.
Nhưng trong thời đại ngày nay các vấn đề ngày càng phức tạp và đòi hỏi nghiên cứu liên ngành. Như thế những người cùng nghiên cứu phải nắm bắt ít ra là cái cơ bản trong lĩnh vực của các cộng sự trong ngành khác mình; và họ phải có được đồng thuận tối thiểu về những chuẩn mực khoa học. Thêm nữa, kho kiến thức tích tụ ngày càng nhiều, do đó phải học suốt đời, và tự học là chính; trong điều kiện này cái học về phương pháp ít ra cũng quan trọng ngang cái học về kết quả, và thật sự hai khía cạnh này bổ sung cho nhau.
Sự kiện là việc nghiên cứu khoa học trở nên phức tạp và liên ngành đặt ra một thách đố còn cơ bản hơn, liên quan đến vấn đề hay được gọi là vấn đề "hai nền văn hoá", "văn hoá khoa học" và "văn hoá nhân văn". Những nghiên cứu về khoa học xã hội, về hoạt động của bộ óc... chính là cần con người ngày mai vượt qua được khoảng cách giữa hai nền văn hoá đó. Chính vì vậy không những khoa học luận cần được giảng dạy cho sinh viên trong các ngành, mà bản thân khoa học luận còn phải được phát triển thêm rất nhiều, vì như chúng ta đã thấy, các nhà khoa học luận cho đến nay chỉ có những đóng góp rất khiêm tốn khi đi ra ngoài lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Như thế không phải để hy vọng các ngành khoa học "mềm" trở nên những hệ thống tiên-đề-diễn-dịch "cứng" như toán lý... mà để hy vọng trong nền văn hoá tương lai những người hoạt động trong các ngành khác nhau biết được những phương pháp luận đặc thù của mình, của người, và biết được những giới hạn của chúng. Để cùng có những thái độ mở, cùng nhau "chung sống hoà bình", và cùng nhau sáng tạo.
Sinh viên đại học tại Âu Mỹ sống hàng ngày trong một truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời, với những bậc thầy có thể đã là các bác học nổi danh vẫn còn đang nghiên cứu tại trường... vì thế giáo dục đại học đảm bảo được sự truyền bá và tiếp nhận tinh thần và phương pháp luận khoa học, qua thực tế nghiên cứu. Mặc dù vậy, bộ môn khoa học luận đang được khuyến cáo đưa vào chương trình đại học của cả các ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học nhân văn và xã hội, và điều này đã được nhiều đại học trên thế giới thực hiện.
Sự truyền bá tinh thần khoa học một cách vô hình từ thầy đến trò như thế rất hiếm tại các nước đang phát triển, và các bậc thầy có thể và có cố gắng làm việc ấy cũng gặp rất nhiều khó khăn, họ thường bị quá tải. Người ta thường chỉ truyền đạt lại kiến thức sách vở. Đó là một thiệt thòi cho sinh viên của các nước đang phát triển. Trong điều kiện ấy tìm hiểu về lịch sử và phương pháp luận khoa học như một môn học chính quy lại càng cần thiết.
Hà Dương Tuấn
(nguyên chuyên gia công nghệ thông tin)


[1]               Đặc biệt công cụ tin học, ngoài chức năng tính toán còn có thêm vai trò rất mới, như là một công cụ mô phỏng, một hình thức thực nghiệm "ảo" không thể thiếu cho các ngành khoa học thực nghiệm ngày càng phức tạp.
[2]               Ở đây không nói đến những thủ tục chặt chẽ khi tiến hành thí nghiệm hoặc khi viết luận văn trong cộng đồng khoa học, mà sự truyền đạt qua thực tiễn tại một môi trường đại học nghiêm chỉnh là điều cần thiết tối thiểu. Xin hiểu phương pháp luận khoa học trong nghĩa trừu tượng hơn như là những phương châm hay những nguyên tắc tư duy hướng dẫn cho việc nghiên cứu khoa học. Có thể nói đó là những biểu hiện của tinh thần khoa học.
[3]               Sẽ nhường chỗ cho khoa học hiện đại với thuyết tương đối và thuyết lượng tử ở đầu thế kỷ 20.
[4]               Bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, nxb Văn Học, 2004.
[5]               Cần nói thêm đây cũng là lập trường của Planck, cho đến 1914.
[6]               Với trường phái Vienne thì Thực chứng luận lý và Kinh nghiệm luận lý (empirisme logique) là đồng nghĩa, họ tự gọi bằng cả hai tên. Nhiều tác giả hiện nay lại gọi lập trường này là "tân thực chứng" (neo-positivism).
[7]               Đó là khái niệm phản nghiệm (falsifiability, réfutabilité), thuật ngữ do người viết bài này đề nghị, dựa trên nội dung của khái niệm để dịch chứ không dựa trên từ nguyên.
[8]               Paradigma hiện nay đã được dịch là khuôn mẫu, khung mẫu, mẫu hình, mô thức, cộng với vài thuật ngữ khác rất thiểu số, trong đó có thuật ngữ "hệ ý niệm" mà người viết bài này đã dùng để dịch khái niệm của Kuhn. Chữ này có nhiều nghiã hơi khác nhau, a) nghĩa cổ Hy Lạp, vẫn còn được dùng trong văn phạm (digma: cái cho xem, para: ở bên cạnh; tức là cái mẫu;­ hoặc cụ thể trong thủ công, hoặc trừu tượng trong học thuật), b) nghĩa trong thuật ngữ ngôn ngữ học, và c) nghĩa riêng của Kuhn. Do đó xin đề nghị liệt nó vào loại thuật ngữ không nên dịch, và dùng cách viết gốc Hy Lạp của nó.
[9]               Bachelard khẳng định mình là người duy vật, và khẳng định phương pháp luận biện chứng. Ông đồng sáng lập với nhà khoa học luận Thuỵ Sỹ Fernand Gonseth chuyên san Dialectica (năm 1947). Một tác phẩm cuối đời của ông có tên Chủ nghĩa Duy vật duy lý (Le matérialisme rationnel, 1953).
[10]             Việc nhận thức khoa học về hiện thực biến chuyển theo một quá trình biện chứng không có nghĩa là bản thân thế giới hiện thực vật chất cũng biến chuyển theo một quá trình biện chứng, hai mệnh đề này độc lập với nhau. Và có lẽ biện chứng bao gồm của nhận thức khoa học là đặc thù.
[11]             Có lẽ cũng phải thêm vào mệnh đề này vế thứ hai: miễn là đạt kết quả chặt chẽ về mặt lý thuyết và có hiệu quả thực tế ! Và tiếp theo đó cũng cần đặt câu hỏi: làm sao có được những con người tự do sáng tạo ? phải chăng họ cũng cần được giúp đỡ vượt qua những rào cản của nhận thức ? nghĩa là biết phê phán về những tư duy quá khứ nay đã không còn thích hợp nữa.

0 phản hồi:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết! Chúc bạn một ngày vui vẻ.