8 May 2011

Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi không đánh lừa độc giả

Trong làng văn, Trần Thị Hồng Hạnh có tiếng là chịu khó... tiếp thị tác phẩm của mình. Mỗi lần ra sách, chị lại có những “chiêu độc”: Tung trailer (đoạn video clip quảng cáo) về cuốn sách, tặng kèm phiếu nghỉ dưỡng ở resort cao cấp... Giờ đây, với tiểu thuyết “Lật mặt nạ” đang được công bố trên Facebook, chị lại “bán vé” với giá 50.000 đồng cho mỗi độc giả truy cập...
 

Bán sách kiểu gì không liên quan đến đạo đức nhà văn
+ Mỗi lần ra sách, chị lại khiến người ta bất ngờ, thậm chí trong giới có người cho rằng hơi ồn ào. Điều này có phải chị học được từ Mỹ sau khóa học cách đây 2 năm?
Tôi luôn cho rằng giữa hàng loạt quyển sách ra đời mỗi ngày, nếu mình không có cách để gây chú ý thì độc giả làm sao biết mà mua? Khi sáng tác, văn chương thuộc về thánh đường chữ nghĩa, nhưng khi hoàn tất việc sáng tác, hãy đưa quyển sách cho những người làm sách để bán nó cho công chúng. Bất kỳ sản phẩm nào cũng cần marketing. Tiếp thị sản phẩm văn hóa, cụ thể ở đây là sách, đến công chúng là điều cần thiết. Tôi vẫn cho rằng đã qua thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Không đợi đến khi sang Mỹ tôi mới học được điều này mà ngay khi ở Việt Nam, đọc báo tiếng Anh và quan sát thị trường sách nước ngoài, tôi đã thấy người ta rất nhiệt tình tiếp thị sách thông qua nhiều hình thức. Bạn có thể quảng cáo một cái bồn cầu toilet thì tại sao một quyển sách lại không được quảng cáo?
+  Từ tiểu thuyết “Thở sâu”, và giờ đây là “Lật mặt nạ”, độc giả bắt đầu nhận ra việc “lồng ghép” tính thương mại vào văn chương, ở khía cạnh tiếp cận độc giả của chị. Chị có cho rằng, việc đưa tính thương mại vào văn chương là con dao hai lưỡi? Văn chương lâu nay vẫn được nhìn nhận là một thứ gì đó rất đẹp, rất thiêng liêng và không nên chứa trong đó… “mùi tiền”…
Như trên đã nói, tôi phân biệt hai quá trình: Sáng tác và bán những sáng tác đó cho độc giả. Không có con dao hai lưỡi nào ở đây cả.
+ Đúng là không thể trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhưng theo chị, việc tiếp cận độc giả có nên ồn ào quá không? Nên nhìn nhận giới hạn của việc này như thế nào?
 Có thể cách làm của tôi hơi đặc biệt (và thực ra đó cũng là sự hỗ trợ của những người bạn chuyên làm marketing đã giúp ý tưởng và thực hiện), nhưng tôi tin vào hiệu quả của nó. Tôi không đánh lừa độc giả bằng cách treo đầu dê bán thịt chó và chất lượng sách của tôi thì có thể nói rằng cho đến nay dù khen hay chê nhưng độc giả đều thấy được những nỗ lực đổi mới của tôi trong sáng tác. Tôi tự nhận xét và luôn dặn dò mình phải là người làm nghề tử tế. Vậy là đủ rồi. Còn việc bán sách kiểu gì đâu có liên quan đến đạo đức nghề nghiệp mà phải giới hạn. Sự định kiến của một bộ phận người làm nghề sẽ giết chết những nỗ lực tìm kiếm đường đưa sách đến gần với độc giả hơn nữa của những người như tôi.
+ Vậy ở tiểu thuyết “Lật mặt nạ”, chị có gì để “mời” độc giả?
Một thế giới thực và tàn nhẫn đến nao lòng về tình người đang xói mòn dần trong cuộc sống hiện đại. Đáng lý ra những nghệ sĩ là những người dễ tổn thương nhất phải bảo vệ nhau thì họ lại là những người “hăng hái chém giết tâm hồn” và làm tổn thương nhau nhiều nhất.
+ Vì sao chị không “ém” tác phẩm chờ ngày xuất bản mà lại đăng tải từng đoạn trên Facebook của mình? Đến bao giờ độc giả mới có thể đọc trọn vẹn tiểu thuyết này của chị?
Tôi đang xuất bản đó chứ, xuất bản trên mạng từng đoạn một. Đến bao giờ là một bí mật. Và nếu bạn nóng lòng đợi đọc hết thì lâu lắm. Hãy đọc từng đoạn một nhé. Ái chà, tôi lại tiếp thị nữa rồi!
Đọc sách phải có mục đích
+ Ngày 23/4 là Ngày đọc sách thế giới. Là một nhà văn, chị thường làm gì hưởng ứng ngày này?
Tôi đọc sách mỗi ngày và truyền đam mê đó cho con tôi, bạn bè tôi bằng cách mua sách tặng mọi người. Khi đi nhà sách, tôi thường mua những quyển sách mà tôi đã đọc và thấy hay cho bạn bè. Quà sinh nhật, quà tết của tôi cho những người tôi thân thiết quý mến đều là sách cả. Với tôi ngày nào cũng là ngày đọc sách và tôi cổ vũ, ủng hộ nhiệt thành với mọi hoạt động kêu gọi người đọc yêu quý và đọc sách.
+ Có ý kiến cho rằng, việc đọc sách cũng cần phải có mục đích thìgiá trị của việc đọc mới cao.Chị nghĩ sao?
Hoàn toàn đúng. Sách thì bao la, đâu thể đủ sức đọc hết được. Tùy mục đích của mình mà đọc thôi. Người xưa nói “đa thư loạn mục” có lẽ là muốn nói đến tính mục đích này đấy thôi.
+ Chịcó thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm cá nhân để việc đọc sách đạt hiệu quả cao?
Xác định mục đích đọc sách của mình trong từng thời điểm. Ví dụ muốn giải trí nhẹ nhàng thì đọc cái gì, muốn bổ sung kiến thức gì thì tìm sách về mảng đó. Không biết sách có hay không thì hỏi những người trong lĩnh vực đó xem nên mua sách gì. Khi có sách rồi thì đọc sách. Nếu đọc giải trí thì cứ đọc liền một mạch, đoạn nào hay mình gạch chân hoặc đánh dấu để đọc lại. Nếu đọc để nghiên cứu, học tập thì lần đầu tiên đọc lướt qua để nắm bố cục, lần thứ hai đọc kỹ từng chương có đánh dấu những đoạn, ý quan trọng để quay trở lại theo dõi. Lần thứ ba thì đọc kỹ những đoạn đã đánh dấu. Nếu cần thiết, có thể đọc lại nhiều lần cho đến khi lĩnh hội hoàn toàn điều sách nói. Nếu không hiểu hãy hỏi chuyên gia, nhà cố vấn của mình trong lĩnh vực đó. Tôi thường đọc sách văn chương và sách về kinh tế, trong đó đặc biệt chú ý đến mảng quảng cáo và tiếp thị. Có những chỗ không hiểu tôi hỏi bạn bè tôi hoặc những người đi trước trong lĩnh vực mà họ tinh thông… Từ đó, tôi học được rất nhiều.
Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1978 tại Sóc Trăng.
Giải Nhất Văn học tuổi 20 lần 3.
Tác phẩm đã xuất bản:
+ Tiểu thuyết:Bài học đầu tiên, Chuyện của nhóc Billl, Quái vật, Tổ ấm của những người lạ, Thở sâu.
+ Kịch bản phim truyền hình:Mùa hè sôi động, Tình ca phố, Xúc xắc mùa thu, Con đường màu xanh, Sự thật vô hình (viết chung). 
(Bản đăng Phụ nữ Việt Nam)

0 phản hồi:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết! Chúc bạn một ngày vui vẻ.