8 Jun 2012

Cà phê học thuật Nhân văn: Tạo chất men yêu khoa học

Cà phê học thuật Nhân văn: Tạo chất men yêu khoa học
Hiện nay có rất nhiều chương trình giải trí nhưng sinh viên lại rất thiếu những sân chơi mang tính học thuật.

Chương trình Cà phê học thuật Nhân văn đã giúp sinh viên có thêm kiến thức và tạo hứng khởi trong hành trình nghiên cứu khoa học.
Từ tháng 6-2010, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực, ĐH KHXH&NV TP.HCM đã “khai trương” chương trình Cà phê học thuật Nhân văn vào thứ Bảy hằng tuần. Mỗi buổi nói chuyện sẽ có từng chủ đề như: Lịch sử qua lời kể (TS Rivka Syd Eisner, ĐH Aarhus, Đan Mạch); Dịch sách (dịch giả Tôn Thất Lan, Nguyễn Đôn Phước), Cá nhân và cộng đồng (Bùi Văn Nam Sơn); Đi tìm ý tưởng cho đề tài nghiên cứu (PGS-TS Trần Hữu Quang), Vốn xã hội - tác động và phát triển (luật sư Nguyễn Ngọc Bích); Những góc nhìn của Nhân học đô thị về sự phát triển của TP.HCM (GS-TS Erik Lind Harms, ĐH Yale, Mỹ)… Đây là một chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận. Có chương trình tham gia khoảng 30-40 người nhưng cũng có chương trình lên đến trên 100 người.
Chuyện không dám hỏi trong giờ học
Người có ý tưởng lập Cà phê học thuật Nhân văn là TS Nguyễn Đức Lộc, Trưởng nhóm nghiên cứu đời sống xã hội, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Ý tưởng này đến từ thực tế giảng dạy, thầy Lộc nhận thấy sinh viên nhút nhát, không dám hỏi trong giờ học nhưng giờ giải lao lại lân la hỏi thầy về vấn đề này, vấn đề nọ. Trong dịp sang các trường ĐH ở Mỹ, thầy Lộc bắt gặp những buổi sinh hoạt học thuật đơn giản, cởi mở. Như tại ĐH Nam California (University of Southern California), giờ cơm trưa thứ Sáu hằng tuần ở nhà ăn sẽ bắt đầu sớm hơn bởi có những hoạt động học thuật diễn ra. Tại đây, những nghiên cứu sinh, sinh viên đang làm đề tài nghiên cứu cùng tập trung vào một câu lạc bộ ĐH. Tại các câu lạc bộ, họ sẽ trình bày ý tưởng nghiên cứu và những người tham gia có thể phản biện lại giúp cho công trình đó có thể phát triển hơn. “Ở Việt Nam mình không có thói quen vừa ăn vừa nói nên… vừa uống vừa nói sẽ hợp lý hơn. Và mình cũng mong muốn sinh viên có thể ngồi cà phê chia sẻ như những người có cùng đam mê, quan tâm học thuật chứ không phải quan hệ thầy-trò theo kiểu giảng và nghe” - TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ. Từ đó, chương trình Cà phê học thuật Nhân văn ra đời. Đến nay, chương trình đã được tròn hai năm và ngày càng đem lại nhiều hứng khởi cho sinh viên, nghiên cứu sinh.


TS Nguyễn Đức Lộc (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ và ThS Đinh Hồng Phúc trong chương trình “Các quy tắc của Phương pháp xã hội học”. Ảnh: ĐINH HỒNG PHÚC
Theo TS Nguyễn Đức Lộc, mong muốn của không gian học thuật này là “giúp sinh viên có thêm kiến thức mới không chỉ trên lớp. Thứ đến, chương trình sẽ giúp sinh viên nói lên chính kiến của mình, rèn luyện cho sinh viên biết cách hỏi vì hỏi cũng là cách học”. Và quả thực nếu không có không gian cởi mở như thế thì rất khó để các bạn sinh viên có thể tiếp cận những vấn đề khó và được cho là không gần gũi với sinh viên như: Triết học hậu hiện đại; Ứng dụng bản đồ tư duy trong công việc; Tiếp cận truyền thống từ viễn tượng Thông diễn học; Về các khái niệm của Roland Barthes: Thuyết cấu trúc, tác giả, lối viết…
Hình thành không khí ĐH
ThS Đinh Hồng Phúc, một diễn giả tham gia Cà phê học thuật Nhân văntừ những ngày đầu đến nay chia sẻ: “Cách sinh hoạt như mô hình này tạo được không khí sinh hoạt học thuật, tạo chất men để sinh viên yêu thích, đam mê tri thức khoa học. Chất men đó có thể thiếu vắng trong những chương trình đào tạo chính quy”. Chương trình còn góp phần tạo ra không khí, sinh hoạt học thuật trong khuôn viên ĐH. Bởi “không gian cà phê sẽ giảm bớt được sự khô khan và tạo hứng thú không chỉ cho sinh viên, nghiên cứu sinh mà cả những nhà nghiên cứu” - ThS Đinh Hồng Phúc nhấn mạnh.
Với sinh viên, nghiên cứu khoa học không còn nặng nề mà là niềm vui nghiên cứu. Và với những người thực hiện chương trình lẫn diễn giả tham gia thì chính những thắc mắc của sinh viên cũng tạo cảm hứng cho họ.
“Sinh viên cũng truyền cảm hứng ngược lại cho người làm. Như với chính tôi, tôi là người khởi xướng nhưng cũng là người được lợi nhiều nhất. Bởi khi thiết kế chương trình, tôi sẽ gặp diễn giả, trao đổi với họ trước và tôi được bổ sung kiến thức từ đó. Khi chương trình thực hiện xong, nhận được thư chia sẻ của các bạn sinh viên, niềm vui càng tăng lên vì những người thực hiện nhận thấy niềm vui nghiên cứu của mình được đồng cảm từ sinh viên và những người tham gia” - TS Nguyễn Đức Lộc nói.
Hoạch định chủ đề

Ban đầu chương trình phụ thuộc vào ý tưởng diễn giả, chủ đề như thế nào do diễn giả tự đề xuất. Hiện tại, chương trình đã tự hoạch định chủ đề sẵn để tìm kiếm diễn giả. Như tháng 5 và tháng 6 này sẽ là chuỗi các buổi cà phê về phương pháp nghiên cứu như:Phương pháp xã hội học của Emile Durkheim, Phương pháp lịch sử qua lời kể, Điền dã dân tộc học… Sau chuỗi cà phê về phương pháp sẽ là chuỗi các chủ đề về lý thuyết khoa học xã hội. Tức chúng tôi mong muốn Cà phê học thuật Nhân văn ngày càng chuyên biệt và có hệ thống hơn.
TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
Bút ký cà phê Học thuật

Những người tổ chức mong muốn từ chương trình sẽ xây dựng được Tủ sách Cà phê Học thuật từ đóng góp của các học giả, nhà nghiên cứu để sinh viên có thể đến đọc miễn phí. Hiện nay có khá nhiều sách của các học giả, diễn giả tặng cho sinh viên được giữ ở Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực để các bạn sinh viên tham khảo.
Trung tâm cũng đang thực hiện Bút ký cà phê Học thuật. Tức ghi chép lại toàn bộ những buổi nói chuyện, phân loại theo chủ đề để in ra sách cho sinh viên đọc tham khảo. Những sách này sẽ được bán trong chương trình Sách trợ giá cho sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
QUỲNH TRANG

0 phản hồi:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết! Chúc bạn một ngày vui vẻ.