Vào lúc 8 giờ 30 phút, ngày 09/6/2012 tại trường ĐH KHXH&NV, Nhóm nghiên cứu đời sống xã hội (Sociallife) thuộc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn nhân lực, tổ chức buổi cafe học thuật chủ đề: "Nghiên cứu định tính trong khoa học xã hội: nhận thức luận, quan điểm lý thuyết, phương pháp luận và phương pháp" với sự trình bày của diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa (Tiến sĩ XHH, Khoa XHH-CTXH-ĐNÁ, Đại học Mở Tp.HCM).
Hội trường D102 đông đúc với sự tham gia của nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ, Lê Minh Tiến, Lê Thị Mỹ Dung và các cán bộ giảng dạy, sinh viên viên, nghiên cứu sinh đến từ trường ĐH KHXH&NV và các trường ĐH khác trong thành phố.
Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Đức Lộc – Trưởng nhóm nghiên cứu đời sống xã hội phát biểu khai mạc và giới thiệu diễn giả. TS Nguyễn Đức Lộc đã nhắc lại chương trình đầu tiên của café học thuật Nhân văn cách đây đúng hai năm là chuyên đề: “Đi tìm ý tưởng nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học” do PGS.TS Trần Hữu Quang trình bày, và hôm nay, chương lại được diễn ra với chủ đề: "Nghiên cứu định tính trong khoa học xã hội: nhận thức luận, quan điểm lý thuyết, phương pháp luận và phương pháp". Đó là sự trùng hợp thú vị, nhưng đây cũng là chọn lựa của những người tổ chức chương trình trong thời gian này là chuỗi café học thuật và phương pháp và lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Tiếp theo chương trình, TS Nguyễn Xuân nghĩa trình bày các nội dung liên quan đến chủ đề Nghiên cứu định tính. Nội dung chuyên đề tập trung vào năm vấn đề chính: bốn thành tố chính yếu (nhận thức luận, quan điểm lý thuyết, phương pháp luận và phương pháp) của nghiên cứu xã hội nói chung; Đóng góp của bốn thành tố trên vào nghiên cứu định tính; Nguyên tắc, đóng góp và hạn chế của nghiên cứu định tính; Sự phân chia nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính; Nghiên cứu định tính và sự hỗ của các phần mềm chuyên dụng.
Sau phần trình bày của diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa là những ý kiến, những câu hỏi thú vị được đặt ra để thảo luận các vấn đề liên quan đến nghiên cứu định tính trong khoa học xã hội.
Nghiên cứu định lượng thường thấy trong các nghiên cứu xã hội học, nhưng ngày nay xu hướng đó đang dần thay đổi khi có sự xuất hiện của phương pháp định tính trong các nghiên cứu xã hội học. Không chỉ ở xã hội học, theo TS. Nguyễn Đức Lộc xu hướng đó cũng đang diễn ra ở các nghiên cứu Nhân học, phương pháp nghiên cứu chính yếu của các nhà nghiên cứu nhân học là định tính, nhưng hiện nay người ta đang đặt ra vấn đề nên chăng là cần bổ sung thêm phương pháp nghiên cứu định lượng để làm cho kết quả nghiên cứu có tính thuyết phục cao hơn. Như vậy, có thể thấy trong giới khoa học xã hội đang có xu hướng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng một cách hài hòa với mục đích rốt cùng là làm cho kết quả nghiên cứu tốt hơn.
Bàn luận về sự khác nhau giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ cho rằng nên chăng dùng cụm từ "kiến tạo" trong các nghiên cứu định tính để thay thế cho cho cụm từ "thu thập thông tin" mà hiện nay vẫn được dùng phổ biến trong các nghiên cứu định tính lẫn định lượng. Việc sử dụng cụm từ "thu thập thông tin" xuất phát từ "hội chứng định lượng" của xã hội học Việt Nam, chính vì thế, trường phái định lượng cho rằng thông tin, dữ kiện là những gì có sẵn trong cộng đồng và nhà nghiên cứu là người đi thu thập những thông tin, dữ kiện đó và cách hiểu này được dùng cho cả những nghiên cứu định tính.
Bàn luận về những cách hiểu chưa chuẩn xác trong giới khoa học xã hội hiện nay, GV. Lê Thị Mỹ Dung (Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV) đặt vấn đề cần phải xem xét lại cách hiểu đang diễn ra rất phổ biến hiện nay khi đề cập đến phương pháp nghiên cứu người ta thường dùng cụm từ "phương pháp nghiên cứu xã hội học" điều này dẫn đến sự lầm tưởng rằng phương pháp nghiên cứu là dành riêng cho chuyên ngành xã hội học, và đề xuất nên dùng cụm từ "phương pháp nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội" để thay thế nhằm hiểu đúng bản chất của nó. Cô Dung cũng đề nghị rằng không nên có cái nhìn thiên lệch đối với phương pháp nghiên cứu định tính hay phương pháp định lượng mà nên trang bị cùng lúc hai phương pháp nghiên cứu này để có được nền tảng vững chắc.
Một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tham dự viên là "trong nghiên cứu định tính, bao nhiêu mẫu là phù hợp?", diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng khó có thể xác định được bao nhiêu mẫu là phù hợp trong nghiên cứu định tính, điều đó phụ thuộc vào sự bão hòa của thông tin. Tính chủ quan trong nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính cũng là vấn đề được đặt ra bàn luận sôi nổi. Nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ cũng khẳng định rằng: thách thức đối với người dạy và người học là vừa phải thấy rằng định lượng và định tính là hai phương pháp khác nhau nhưng cũng phải thấy rằng hai phương pháp này phải bổ sung cho nhau. Do đó, để hạn chế đi tính chủ quan trong các nghiên cứu định tính và định lượng, theo diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa là sử dụng các câu hỏi kiểm tra trong các bản hỏi cũng là cách để hạn chế tính chủ quan trong các nghiên cứu định lượng; trong các nghiên cứu định tính tính khách quan được thể hiện qua mối quan hệ trong thời gian lâu dài giữa nhà nghiên cứu và khách thế nghiên cứu thông qua việc khách thể nghiên cứu cung cấp những thông tin một cách trung thực, nên nghiên cứu định tính chủ quan mà khách quan là như vậy. Nhưng cái quan trọng nhất để hạn chế đi tính chủ quan xuất phát từ nhà nghiên cứu trong các nghiên cứu định lượng và định tính là việc nhà nghiên cứu phải ý thức hệ thống giá trị của mình...
Buổi nói chuyện chuyên đề thành công tốt đẹp. Đây là chủ đề thứ hai, tiếp nối một loạt các chủ đề học thuật về phương pháp nghiên cứu sẽ được tổ chức vào các tuần kế tiếp: phân tích diễn ngôn, lịch sử qua lời kể, ...Hy vọng đây là một sân chơi khoa học bổ ích cho các sinh viên, học viên cao học, cán bộ giảng dạy trong các ngành khoa học xã hội.
Phan Kim Liên – Học viên cao học XHH
0 phản hồi:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết! Chúc bạn một ngày vui vẻ.